Cảnh báo tình trạng lừa đảo qua việc tuyển người bán hàng online

Công Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian vừa qua, cơ quan công an nhận được nhiều đơn tố giác tội phạm có liên quan đến việc lợi dụng hoạt động bán hàng online để chiếm đoạt tài sản, nổi lên là hình thức tuyển CTV bán hàng online.

Theo đó một số cá nhân câu kết thành lập các công ty, DN (các đối tượng cố ý đặt tên DN để người tiêu dùng hiểu nhầm là các công ty của nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài) và đăng thông tin kinh doanh các sản phẩm do nước ngoài sản xuất như: mỹ phẩm, văn phòng phẩm, thực phẩm chức năng… cần tuyển CTV để bán các sản phẩm trên với mức chiết khấu cao. Đồng thời khi CTV đăng thông tin bán hàng lên mạng internet công ty tuyển dụng sẽ trả cho CTV số tiền nhất định theo ngày, nếu có khách hàng đặt mua thì sẽ được cộng thêm phí. Thông thường phí duy trì bài đăng từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/ngày, nếu có khách mua thì người đăng bài sẽ được hưởng từ 70.000 đồng đến 150.000 đồng/khách hàng.
Một bộ phận người dân do không nhận thức được các chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng đã đăng ký làm CTV cho các công ty bán hàng nêu trên và đăng bài bán hàng trên các trang mua bán điện tử hoặc mạng xã hội như: facebook, zalo... Ngay khi CTV đăng ký là thành viên các đối tượng sẽ sử dụng nickname ảo, sim rác để đặt hàng mua các sản phẩm trên với giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng và đề nghị gửi về các địa chỉ không có thật tại các địa phương cách xa nơi cư trú của CTV. Khi CTV thấy có khách mua đặt hàng đã gửi lệnh yêu cầu tới công ty cung cấp để giao hàng cho khách. Tuy nhiên công ty cung cấp từ chối giao hàng mà yêu cầu CTV phải mua số hàng hóa đó và trực tiếp chuyển cho người đặt hàng. Để tạo tâm lý an tâm cho CTV, công ty cung cấp đồng ý khấu trừ số tiền mà khách hàng được hưởng thông qua việc đăng tin trên mạng internet vào số tiền hàng đã mua. Sau khi CTV nhận được hàng đã trực tiếp gửi số hàng đó vào địa chỉ của khách hàng đặt mua. Nhưng những địa chỉ trên đương nhiên là không có thật, hoặc không có ai nhận hàng, số điện thoại của khách đã đặt hàng cũng không thể liên lạc được (người sử dụng mạng gọi là bị “Boom hàng”). CTV liên hệ lại với công ty cung cấp để trả lại hàng thì không được chấp nhận, bị chặn nick, chặn số điện thoại, địa chỉ của công ty cũng không có thật. Khi mở hàng ra xem các hàng hóa đó đều là những loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm định, xác nhận nên không thể bán trên thị trường.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm thông qua việc lợi dụng kinh doanh online. Người dân cần chú ý nêu cao tinh thần cảnh giác, khi đặt mua hàng hóa, làm CTV cho các công ty, DN, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác của các thông tin đã đăng. Hạn chế giao hàng với số lượng lớn cho các khách lần đầu đặt hàng. Thông báo kịp thời đến cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần