Các chuyên gia khuyến cáo, cần để xa các loại hóa chất dạng lỏng giống nước khỏi tầm tay của trẻ em.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên đã tiếp nhận và điều trị cho 4 bà cháu bị ngộ độc do uống nhầm nước giải nhiệt của ô tô. Xảy ra sự việc trên là do bà của các cháu đã nhặt được một chai nước màu xanh giống lon Pepsi, trên thân chai có chữ “nước giải nhiệt” và chia cho các cháu cùng uống. Rất may là người nhà các bệnh nhân đã phát hiện kịp thời đó là nước giải nhiệt của ô tô và đưa 4 bà cháu đi cấp cứu nên không ảnh hưởng đến tính mạng.
Tiếp đó, một bé trai 2 tuổi ở Cao Bằng trong lúc chơi một mình đã nhặt được một chai chất lỏng ngoài đường, cho rằng đó là nước nên cháu đã uống. Khi được gia đình phát hiện, cháu bé được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi T.Ư trong trình trạng khó thở, ho, suy hô hấp, nôn nhiều, đau bụng, chảy máu đường tiêu hóa. Sau thăm khám và điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ nghi ngờ cháu bé bị ngộ độc paraquat.
Gần đây nhất, một bệnh nhi 3 tuổi ở Hà Nội cũng được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi T.Ư do uống nhầm một lượng lớn dầu hỏa, có dấu hiệu viêm phổi. Gia đình bệnh nhi cho biết, do khát nước nên cháu đi tìm nước uống nhưng không may đã lấy nhầm chai dầu hỏa ở gần đó.
Phó trưởng Khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư Lê Ngọc Duy cho biết, trẻ uống nhầm hóa chất như dầu hỏa sẽ để lại hậu quả rất nặng nề, có thể gây tổn thương phổi, suy hô hấp. Thậm chí, nếu uống nhầm phải axit có thể gây tử vong do bỏng thực quản. Bác sĩ Lê Ngọc Duy khuyến cáo, người lớn khi phát hiện trẻ uống nhầm hóa chất cần bình tĩnh trong xử lý, tuyệt đối không gây nôn cho trẻ nếu không biết chắc trẻ đã uống phải hóa chất nào. Bởi lẽ, nếu trẻ uống nhầm xăng, axit, chất tẩy rửa thì tuyệt đối không được gây nôn mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Trước khi đưa tới bệnh viện có thể cho nạn nhân uống vài ngụm nước nhỏ để tránh bỏng rát cổ họng. Phải uống từ từ, tránh bị sặc nước, nếu không tình trạng càng nguy kịch hơn. Đối với trẻ uống nhầm thuốc diệt cỏ, các loại thuốc khác thì cần nhanh chóng gây nôn. Khi nôn nên đặt đầu trẻ thấp để tránh bị sặc vào phổi, đồng thời nằm nghiêng để tránh chất độc chảy vào khí quản gây tắc thở. Sau đó đưa trẻ đến ngay trung tâm chống độc của các bệnh viện.