Những tín hiệu không mấy tích cực từ thị trường thế giới cho thấy, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải có hoạch định rõ ràng hơn về sản xuất cũng như đầu ra.
Tiếp tục đà giảm
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, khối lượng XK gạo 4 tháng đầu năm ước đạt 1,95 triệu tấn, kim ngạch 849 triệu USD, giảm 4,8% về khối lượng và 9,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Với cà phê tương ứng là 466.000 tấn, 970 triệu USD, giảm 41% và 39,3%. Thủy sản - ngành mũi nhọn đóng góp giá trị lớn nhất trong nông nghiệp cũng không nằm ngoài đà giảm này. Cụ thể, kim ngạch XK thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 1,87 tỷ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ. Các thị trường chính là Mỹ và Nhật Bản đều đánh dấu sự sụt giảm mạnh.

Nhận định về tình hình này, ông Nguyễn Trọng Thừa – Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho rằng, nguồn cung sản xuất trong nước liên tục tăng, có mặt hàng tăng trên 40%. Điều đáng nói là sản lượng, diện tích đều tăng, song chất lượng sản phẩm lại không tăng. Còn theo lãnh đạo Bộ Công Thương, nhu cầu thế giới đối với một số mặt hàng nông sản tương đối yếu do suy thoái kinh tế dẫn đến điều chỉnh thu mua nguyên liệu đầu vào. Hơn nữa, những sản phẩm mà chúng ta có kế hoạch XK thì nhiều nước cũng có và đang gia tăng cạnh tranh, chẳng hạn với thủy sản là Ấn Độ, Thái Lan, còn với lúa gạo là Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Pakistan…
Sớm điều chỉnh sản xuất
Bên cạnh nhu cầu giảm của thị trường, nhiều chuyên gia nhận định, nguyên nhân dẫn tới sụt giảm XK nông sản trong những tháng đầu năm còn nằm ở chính nội tại sản xuất trong nước. Cụ thể, tính chất, trình độ sản xuất, công nghệ chế biến nông, lâm, thủy sản còn hạn chế. Thêm vào đó, sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là kinh tế hộ cá thể, quy mô cũng như năng lực ứng dụng khoa học công nghệ thấp dẫn tới năng suất lao động và chất lượng sản phẩm không ổn định. Ngoài ra, năng lực cạnh tranh của các DN chế biến, XK nông sản dù đã có cải thiện nhưng còn yếu.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), đánh giá tình hình thị trường lên, xuống phải được nhìn một cách dài hạn. Cần có biện pháp ngắn hạn nhưng không đến mức hối hả bù đắp quý này vào quý kia. Nhận định năm nay là một năm đầy khó khăn đối với XK nông sản, ông Dũng cho rằng, hiện nay, cả biện pháp dài hạn và ngắn hạn của chúng ta chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và DN. "Bộ NN&PTNT xưa nay chỉ tập trung vào số lượng xuất bao nhiêu tấn, Bộ Công Thương thì chỉ quan tâm đạt bao nhiêu tỷ USD, còn DN thì chỉ quan tâm tới lợi nhuận. Ba mục tiêu này chưa gắn kết được với nhau và cần thiết phải có sự điều chỉnh trong thời gian tới" - ông Dũng chia sẻ.
Nhằm tháo gỡ đầu ra cho nông sản, mới đây, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo rà soát và làm việc với một số địa phương sản xuất chính các mặt hàng nông sản XK. Theo lãnh đạo Bộ, tới đây, chắc chắn phải cải cách hành chính, tạo điều kiện cho DN tiếp cận thị trường, trong đó thông tin tới nhà sản xuất và XK để cân đối cung - cầu. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần phải quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp, không chỉ nằm trong phạm vi quốc gia mà còn toàn cầu, nhất là một số mặt hàng như cao su, cà phê, gạo. Bởi Việt Nam đã trở thành quốc gia mạnh về những mặt hàng này nhưng cũng có nước khác có thế mạnh hơn. Chúng ta không thể một mình một chợ mà phải liên kết với các quốc gia khác.