Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo về các vụ tai nạn thương tâm do trẻ nhỏ rơi từ nhà cao tầng, chung cư

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù, các cơ quan chức năng, chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo về việc trẻ nhỏ rơi từ lan can chung cư, hay từ những nơi cao tầng xuống đất gây chấn thương, thậm chí tử vong song những tình huống đau lòng vẫn tiếp tục xảy ra.

Sự việc bé gái N.P.H. (SN 2018) rơi từ tầng 13 của tòa chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) xảy ra chiều tối 28/2/20201 thoát chết hy hữu đang được nhiều người quan tâm. Nếu nhìn clip mà người dân quay lại được khi bé gái trèo ra khỏi lan can căn hộ và rơi xuống, chắc ai cũng thót tim.
Đây không phải là lần đầu xảy ra trường hợp trẻ em rơi từ tầng cao của các tòa nhà chung cư. Trước đó, từng nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra khiến không ít người giật mình vội gọi thợ lắp lưới chắn ban công, lô gia. Nhưng chỉ được một thời gian hay chỉ trong cộng đồng nhỏ, lẻ là “biết sợ”, còn không ít trường hợp vẫn chưa có ý thức bảo vệ an toàn nhà chung cư.
   Hiện trường nơi xảy ra tai nạn với cháu bé Nguyễn Phương H. (Nữ; sinh tháng 7/2018) ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân
Điểm lại những vụ trẻ nhỏ bị ở ngã chung cư trong thời gian gần đây cho thấy, vào tháng 8/2020, tại một tòa chung cư trong ngõ 246 phố Hoàng Ngân, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, bé gái 6 tuổi đã rơi từ tầng 12 của tòa nhà xuống và tử vong. Bé gái được xác định rơi xuống từ ô cửa sổ không có song chắn của gia đình. Thời điểm đó, bố mẹ của cháu bé đều không có nhà. Đến khi nhận được tin dữ, cả hai đều ngã quỵ cạnh hiện trường thương tâm.
Trước đó, 1 năm, trong khi bố mẹ không có nhà, bé gái 4 tuổi sống tại tầng 25 của tòa chung cư Star Tower số 283 phố Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) đã rơi từ ban công xuống đất và tử vong trên mái che tầng 1.
Còn trong tháng 3/2019, một bé trai 4 tuổi đang chơi đùa ngoài khu vực ban công tầng 3, tòa nhà Rice City, khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) thì bất ngờ rơi xuống đất và tử vong trên đường đi cấp cứu…
Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về các vụ tai nạn thương tâm do trẻ nhỏ rơi từ nhà cao tầng, chung cư ở nhiều địa phương nhưng những vụ việc tương tự vẫn cứ liên tiếp xảy ra, gây ám ảnh và xót xa không chỉ đối với gia đình nạn nhân mà cả xã hội.
Thực tế ở nhiều nhà chung cư hiện nay, sự an toàn đối với trẻ nhỏ đang rất đáng lo ngại. Ở đâu, người dân cũng dễ bắt gặp những tòa nhà mà lan can thường không có lưới bảo vệ, che chắn, hoặc những khe sắt ở lan can ban công, cửa sổ có độ rộng khiến trẻ dễ dàng chui lọt. Rồi những giếng trời, cầu thang có sự nguy hiểm không chỉ đối với trẻ con mà cả người lớn...
Như vậy, những sự việc đau lòng xảy ra đều do gia đình các bé chưa cẩn trọng trong chính vấn đề bảo vệ sự an toàn của con em mình. Chỉ một việc làm rất đơn giản là lắp rào chắn tại tất cả các khu vực nguy hiểm như cửa sổ, ban công, lô gia là có thể ngăn chặn việc trẻ ngã ra ngoài. Liên quan đến sự việc này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng bé gái rơi từ ban công tầng 12A chung cư đường Nguyễn Huy Tưởng (HN) chiều 28/2 được cứu sống là một sự may mắn vô cùng. Tuy nhiên, nhiều trẻ sau tai nạn rơi từ trên cao được cứu sống về sau thường bị ảnh hưởng tâm lý. Di chứng này không phải xảy ra với tất cả trẻ bị ngã, rơi từ trên cao xuống. Bởi có trẻ vẫn vượt qua được nhưng có bé lại không, biểu hiện bằng sự hoảng sợ, sau này cứ ở trên cao là sợ (hội chứng sợ độ cao).
Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc phòng tránh tai nạn thương tích tại nhà cho trẻ cực kỳ quan trọng. Ở nhiều nước, chuyên đề này được dạy nhiều được thể hiện bằng chương trình “phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ ở nhà”. Tại Việt Nam cũng có nhưng chưa đến được với người dân. Bằng chứng là dù đã có tuyên truyền nhưng hầu như năm nào cũng có trẻ bị tai nạn tại nhà. Đó là trường hợp trẻ nuốt phải dị vật, trẻ ngã cầu thang, trẻ uống nhầm thuốc, trẻ ngộ độc thuỷ ngân do vỡ nhiệt kế… Trong đó, nguy hiểm nhất có thể là việc rơi từ ban công toà chung cư xuống đất. Dù được nói rất nhiều nhưng năm nào cũng có trẻ rơi từ ban công xuống đất tử vong. Trước tránh xảy ra những sự việc trên, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, người lớn không nên dời mắt khỏi trẻ nhỏ. Đặc biệt, khi nhà có trẻ nhỏ, người lớn cần phải quan sát  toàn bộ căn nhà, các nguy cơ có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Ví dụ, với ban công thì các bậc phụ huynh cần phải quan sát với lan can như thế, trẻ con có thể leo qua được không, hoặc có cái lỗ nào ở bên ngoài có thể khiến trẻ chui qua được không? Khi con biết bò hoặc chập chững biết đi, trẻ có thể chui qua được lỗ đấy không?. Hoặc trẻ lớn hơn chút có thể trèo lên được lan can và rơi xuống… Tốt nhất, bố mẹ cần phải gia cố lan can, lắp lưới chắn ban công khi nhà có trẻ nhỏ.
Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ con khác người lớn không biết chỗ nào nguy hiểm, ưa tò mò, khám phá, tìm hiểu cho nên bố mẹ phải phòng. Do đó, theo chuyên gia, các nhà thiết kế chung cư phải thiết kế căn hộ có trẻ con để tính đến sự an toàn với những ban công có lưới chắn… để trẻ không thể chèo, chui qua được. Nhiều người nghĩ rằng, ban công cao, người lớn đứng còn không rơi làm sao trẻ chèo qua được. Nhưng không phải như vậy, trẻ có thể tìm đủ mọi cách để trèo qua. Ngoài ra, ở nhà đất thì cầu thang cũng cần phải được lưu ý. Khoảng trống giữa các thanh chắn, độ cao của tay vịn cầu thang cũng là những nguy cơ tiềm ẩn khiến trẻ bị rơi từ tầng cao xuống đất.