Cánh chim lạc loài

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vô số ký ức của tôi về Đỗ Quyên, chẳng hiểu sao vẫn in đậm lần tôi đến chơi ngay lúc bạn chuẩn bị đi tắm.

Đỗ Quyên mở cái ngăn kéo bằng gỗ, trong đó đựng toàn những chiếc quần nho nhỏ, mà chỉ cần nhìn thoáng qua, ngay lập tức ta sẽ phải nghĩ đến những tính từ đẹp đẽ như thơm tho, mềm mại, xinh đẹp… Những cái quần be bé, màu trắng muốt hoặc kem nhạt sang trọng, nhìn tựa như tất cả đều mới tinh tươm. Tôi khi đó chưa từng một lần được sở hữu cái gì tương tự. Hình ảnh Đỗ Quyên thanh mảnh đang khẽ lựa một chiếc quần ưa thích hằn sâu vào trong đầu óc đứa con gái nhỏ bé gầy gò da ngăm, tóc cháy là tôi lúc ấy.

Năm đó, Đỗ Quyên mười bảy tuổi, học trễ một lớp. Dáng đẹp, mặt đẹp, da đẹp, mắt đẹp, tay đẹp. Mọi thứ liên quan đến Đỗ Quyên dường như đều đẹp. Giọng hát ngọt ngào. Bàn tay nõn nà. Mái tóc dày êm mượt mà khó tả. Ngay cả chữ viết cũng đẹp. Hồi ấy, bọn học trò chúng tôi có thói quen ưa thích là chép nhạc. Những cuốn sổ dày có bìa simili được mua ở chợ về, chăm chút cái đề tựa, tô vẽ tên từng bài hát, rồi nắn nót từng trang, từng trang. Toàn là những bài hát não tình thê thiết. Đỗ Quyên luôn được bạn bè chọn tay gởi sổ, nhờ nắn nót viết cho vài bài thật mướt ở phía trước, nhằm tăng giá trị của cuốn nhạc. Một anh con trai cùng lớp đảm nhiệm vẽ vời những cành cây hoa lá gì đó để cuốn sổ thật sự trở nên hoàn chỉnh, đẹp đẽ và đủ ý nghĩa của cái thời học trò sến súa ấy.

Đỗ Quyên xinh xắn lại khéo tay. Những thứ hoa trái bình thường, qua bàn tay cắt tỉa của bạn, trở nên ngon lành quyến rũ thấy rõ. Quả đu đủ, trái khóm, sau khi gọt từng đường vỏ, sẽ được dùng dao lăn tròn, lăn tròn, xẻ từng miếng đều đặn tăm tắp, trông thích mắt vô cùng. Trong trí óc non nớt ngờ nghệch của tôi lúc ấy, Đỗ Quyên như thuộc về một thế giới nào đó, đẹp đẽ, sạch sẽ, thơm ngào thơm ngạt. Cái thế giới mà một con bé ngây ngô xấu xí như tôi chỉ có thể đứng xa xa chiêm ngưỡng, không dám tơ hào bén mảng vào.

Đỗ Quyên là con gái nhà ở chợ. Mãi sau này, tôi vẫn chẳng hiểu vì sao, một người phụ nữ nhìn lam lũ bình thường như mẹ Đỗ Quyên lại có thể sinh ra bốn cô công chúa trắng trẻo đáng yêu nhường ấy. Con gái xóm chợ, đa phần nhà buôn bán khá giả, không phải động tay động chân vào việc nặng nhọc gì. Khác hẳn với tôi và những đứa “ở ruộng” hay trong ấp, nơi mà địa danh quê kiểng khó hiểu những U Tàu, Cái Vàm, Láng Trâm, Hàm Cống… chẳng hạn. Các chị em nhà Đỗ Quyên người nào cũng đẹp khiến thanh niên trong xứ ngang qua phải ngoái lại nhìn. Đỗ Quyên có lẽ là đẹp nhất, bởi kèm theo nhan sắc còn là nét dịu dàng khéo léo và những sâu sắc nội tâm của một cô gái đa cảm, sớm biết nghĩ ngợi…

Trường trung học ở bên kia sông. Mỗi sớm mai, áo trắng học trò bay rợp đò ngang. Mười bảy tuổi, cậu trai có hoa tay hay vẽ hoa vẽ bướm cho mấy cuốn nhạc bâng khuâng mối tình đầu với người con gái đẹp nhất lớp, dịu dàng nhất lớp, và hay buồn vu vơ nhiều nhất lớp. Tôi thành cầu nối những lá thư tay cho Đỗ Quyên và người ấy. Tôi thấy mình quan trọng hơn hẳn, bản thân như lớn phổng lên với cái bí mật nho nhỏ ấy, tim tôi biết thổn thức với những tâm sự có phần già trước tuổi của Đỗ Quyên, cô bạn chẳng hiểu vì đâu đã chọn tôi để thân thiết giãi bày…

- Tại sao Quyên lại phải làm vậy?

- Sau này lớn hơn, bạn sẽ hiểu. Mình thì chẳng màng, nhưng gia đình mình cần.

Cho tới tận bây giờ, tôi vẫn cứ hoài thắc mắc là, một cái nhà rộng rãi chừng ấy, đồ đạc đủ đầy như vậy, thì cần gì, thiếu gì để phải gả bán con gái sớm và xa đến thế? Đêm đãi bạn, nhạc bập bùng, có người con trai nhiều hoa tay cùng lớp bậm gan lên hát góp vui một bài gì đấy, có những câu rất bâng quơ rằng, “Chim quyên chưa ăn trái nhãn lồng, Nên dầu biệt ly cũng chẳng ai buồn chi. Chẳng ngậm ngùi đâu dù phải nghe câu hát lý chim quyên…”.

Đó là lần đầu tiên tôi được má cho phép ra ngoài vào buổi tối. Tôi mặc chiếc váy duy nhất của mình, với cái áo màu hồng tay phồng và bèo ở cổ, lạ lẫm nhìn Đỗ Quyên mặt trang điểm, soa rê lộng lẫy khoác tay người đàn ông xa lạ cứng tuổi. Đỗ Quyên nhờ người bạn trai có hoa tay nhất lớp đưa tôi về dùm sau buổi tiệc ngọt, bởi cả hai chúng tôi cứ lừng khừng mãi để thành ra trễ muộn.

Mà thị trấn đã khuya quá mất rồi...

Bạn tôi sau đám cưới lên thành phố luyện tiếng Anh, làm quen với cọ và những lọ sơn tập tành vẽ móng, học nướng những thứ bánh ngon lành thơm phức để chuẩn bị cho một cuộc sống mới, ở một đất nước xa xăm khác. Người con trai cùng lớp lặng lẽ hơn, ít nói cười cùng bạn bè như trước. Còn gì đáng buồn hơn khi người ta phải đối diện với nỗi bất lực khi họ còn quá trẻ, chỉ muốn chứng tỏ mình, mà buộc phải chấp nhận nỗi mất mát. Mà nỗi mất mát ấy, nó khẽ khàng mà đau đớn, nó vu vơ mà ám ảnh có khi cả cuộc đời. Những cuốn sổ nhạc bỗng như vô tình được minh họa bằng hình thiếu nữ u buồn, cô nào tôi cũng thấy phảng phất bóng dáng Đỗ Quyên bạn mình.

Khi nỗi buồn vắng Đỗ Quyên chưa nguôi, thì em gái kế tiếp của bạn, bằng tuổi tôi, theo chồng về Kênh Xáng, một vùng đất hiu hắt mặn như cái nghề làm muối quanh năm. Nghe nói nhà chú rể rất giàu, có tiệm chạp phô bán từ rau đậu cho tới dầu hôi, đường phèn lớn nhất xứ này… Tôi học năm cuối của đời học trò thì Đỗ Quyên chính thức theo chồng về nơi xa tít ngay cả trong tưởng tượng ấy. Nằn nì mãi, mẹ mới cho tôi đón xe đò, vượt gần ba trăm cây số lên thành phố tiễn bạn. Những giọt nước mắt nghẹn ngào đến khó hiểu. Có lẽ, chúng tôi dự cảm được rằng, lần xa cách này vĩnh viễn chấm dứt những năm tháng hồn nhiên và đẹp đẽ của thời bé dại mất rồi…

Cứ thế, khi tôi bước qua thời học trò, dần xếp mấy cuốn sổ nhạc não tình nhăng nhít của mình vào ngăn kéo, thì Đỗ Quyên như một cánh chim đã bay xa tít tắp. Thời của những lá thư tay nối dài nỗi nhớ, Đỗ Quyên viết bằng bút bi, vậy mà thi thoảng vẫn có những chỗ nhòe. Những chiều tan học, đò đông, nước sông cuồn cuộn, tôi xao xác nhớ Đỗ Quyên, tự hỏi người con trai cùng lớp có còn nhớ Đỗ Quyên của tôi hay không?
*

*    *
Mười hai năm. Tôi tình cờ gặp lại Đỗ Quyên trên trang mạng xã hội nhiều người tham gia, thấy bạn post hình chồng con và cả ba mẹ ruột của mình. Chúng tôi mừng mừng tủi tủi hỏi thăm nhau. Nhìn bạn vẫn còn đẹp lắm, nhưng dáng người lẫn ánh nhìn toát lên một vẻ cam chịu lẫn nghi hoặc nào đó. Người đàn ông khoác vai bạn trong hình càng chẳng phải chú rể ngày xưa mà tôi từng sợ hãi và căm ghét ngắm nghía.

- Ở bên này, người ta chung sống rồi bỏ nhau, có khi đơn giản tựa như thay một chiếc áo…

Bạn tôi tâm sự như thế. Tôi chẳng biết nói sao. Cuộc gọi đầu tiên sau chừng ấy năm xa cách nhuốm đầy nước mắt. Thời của công nghệ, những kỷ niệm xa xưa được gợi lại vô cùng dễ dàng. Nhưng cảm xúc của cái thời ngây ngô cũ, có lẽ không cách nào lấy lại được. Tần ngần mãi, rồi tôi quyết định chẳng kể cho Đỗ Quyên nghe rằng, người con trai ngày xưa ấy, sau một đợt gia đình phá sản, đã chẳng còn gì, ngay cả chút tình cảm mơ mộng đầu đời cũng vụt mất, đã bỏ xứ mà đi biệt. Lâu lắm rồi, những dịp họp lớp, mấy bận về quê, tôi cũng không còn nghe tin tức gì. Nên thôi… Có thật sự cần thiết không, khi Đỗ Quyên giờ yên phận với cuộc sống ở bên kia đại dương, ngậm ngùi kể về cái lịch đi làm biền biệt ngày tháng của mình. Cả năm chỉ trông vài kỳ nghỉ phép, đi du lịch. Còn lại vợ chồng cứ cặm cụi, bơ phờ mà làm. Chẳng gặp gỡ, giao tiếp, âu yếm gì, vậy mà người ta vẫn có thể lên giường với nhau, sinh con đẻ cái, hay thật…

Còn trông mong gì hơn nữa, hở Đỗ Quyên của thời bé dại? Con chim non nớt yếu đuối đã bay một chuyến rất xa, mong tìm cho mình bến đậu. Dù trong dù đục, thì cuộc sống vẫn đã xoay vần. Có nên kể cho Đỗ Quyên nghe về cuộc hôn nhân của tôi, ngay trên đất mẹ, yêu thương ngắn ngủi bấp bênh không nỡ vứt bỏ, mà vương mang thì tội tình suốt kiếp phận đàn bà của mình? Đàn ông ở đây hay bên kia đại dương, thì trước cơm áo gạo tiền và muôn vàn cám dỗ, thì cũng có khác gì đâu. Hơn chăng, ở chỗ gia trưởng, cục mịch, uống rượu, vũ phu, và lén lút phản bội, chứ không thể bỏ nhau đơn giản như thay một cái áo được. Vậy thôi.

Mười hai năm. Đỗ Quyên chưa một lần dám về thăm nhà. Còn ai nữa đâu. Mấy chị em tan tác tứ phương. Những cuộc đời gả bán rẻ mạt quá. Bạn gởi một biểu tượng mặt cười chua chát. Mình đã nghĩ, bản thân đáng giá, sự hy sinh của mình tuyệt vời, là thế này thế nọ, cuối cùng là sao kia chứ? Còn bạn, bạn hạnh phúc không, cô gái nhỏ? Ngày xưa, Đỗ Quyên thân với bạn, bởi nhìn thấy trong dáng vẻ khô cằn chưa kịp thành thiếu nữ của bạn một tâm hồn đồng điệu. Bạn rồi sẽ khổ nhiều bởi trái tim đa mang của mình, chắc chắn luôn!

Ừ thì ngưu tầm ngưu, chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta cảm mến nhau, bất chấp sự khác biệt của vẻ bề ngoài. Cũng như người ta vô cùng muốn thổ lộ một bí mật rằng, trái tim sầu cảm của họ đã từng âm thầm ôm một mối tình câm, lòng rát buốt khi chẳng thể ủi an nhau, lại tiếc sao Đỗ Quyên và người con trai có hoa tay nhất lớp ấy không thể thành đôi lứa…

Tôi soi người trong gương, nhìn cái hình ảnh mới đó thôi mà đã nhuốm màu tàn tạ của mình. Thời gian như liều thuốc xóa đi bao nhiêu biến cố, đổi thay trong đời. Cả chút tình cảm lén lút âm thầm của con chim xanh xấu xí tội nghiệp dành cho người con trai có hoa tay nhất lớp ấy, chắc Đỗ Quyên sẽ không bao giờ có cơ hội được biết. Thị trấn chúng mình giờ khác nhiều lắm, Đỗ Quyên ơi! Mỗi lần về, mình lại ngơ ngác nhìn về ngôi trường bên sông, nay đã thay thế bằng một tòa nhà cao tầng đẹp đẽ. Con đò xưa đã thay bằng cây cầu bê tông chắc chắn, xe cộ nườm nượp qua lại. Còn ai ngơ ngác nhớ những cuộc đời đỗ quyên lưu lạc phương trời.

Chiều nay qua sông Cửu Long chợt nghe ai hát lý thương nhau

Thương nhau sao lỡ nhịp cầu?

Chim quyên chưa ăn trái nhãn lồng… (*)q
(*) Đau xót lý chim quyên – Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển

Valid: True