Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cánh cửa cho tương lai

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với thu ngân sách gia tăng, chưa bao giờ tại Ecuador Nhà nước lại rót nhiều vốn cho xây dựng đường sá, bệnh viện và trường học như trong thời gian qua.

Chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 17/2 sẽ cho phép Tổng thống Ecuador Rafael Correa tiếp tục đẩy nhanh cuộc “Cách mạng công dân” do ông khởi xướng và đã đem lại nhiều quyền lợi cho người nghèo, tầng lớp từng bị “quên lãng” trong một thời gian dài tại đất nước giàu tài nguyên dầu khí này.

Theo kết quả sơ bộ, tại cuộc bầu cử này, Tổng thống Correa giành được 56,7% phiếu bầu, bỏ xa 7 ứng cử viên khác trong cuộc đua vào Dinh Carondelet (Phủ tổng thống) và cho phép ông tái cử ngay tại vòng 1.

Kết quả trên đã xác nhận uy tín rất cao của Tổng thống Correa được thể hiện trong các cuộc điều tra dư luận được tiến hành trong suốt thời gian ông cầm quyền, do những thành tựu to lớn mà đất nước với 15 triệu dân này giành được trong 6 năm qua.

Cánh cửa cho tương lai - Ảnh 1
 
Những người ủng hộ Tổng thống Rafael Correa mừng chiến thắng tại Quito. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đây là chiến thắng thứ 7 liên tiếp của nhà lãnh đạo cánh tả này tại hòm phiếu kể từ khi ông tranh cử lần đầu tiên năm 2006, bởi không chỉ 3 lần thắng cử trong các cuộc bầu cử tổng thống, ông còn được ăn mừng chiến thắng trong các cuộc trưng cầu ý dân về thay đổi hiến pháp cũng như về cải tổ hệ thống tư pháp và quản lý báo chí.

Chiến thắng lần này cho phép thời gian cầm quyền của ông Correa sẽ kéo dài 10 năm và ông trở thành tổng thống có thời gian cầm quyền liên tục dài nhất tại quốc gia Nam Mỹ này. Điều này lại càng có ý nghĩa nếu biết rằng trước khi ông lên cầm quyền, Ecuador lâm vào tình trạng bất ổn chính trị.

Trong 10 năm trước khi ông nhậm chức, quốc gia Nam Mỹ này có tới 7 tổng thống, trong đó không một ai cầm quyền được quá 3 năm và 3 người bị bãi nhiệm.

Thắng lợi của niềm tin vào cuộc “Cách mạng công dân”

Tổng thống Correa nhậm chức lần đầu tiên năm 2007 và đã tái cử trong cuộc bầu cử sớm năm 2009 theo quy định của hiến pháp mới do ông thúc đẩy nhằm loại bỏ các đảng phái truyền thống đã mất uy tín, xóa bỏ mô hình tự do mới và tiến hành các chính sách kinh tế xã hội vì lợi ích của người nghèo.

Trong khuôn khổ cuộc “Cách mạng công dân,” ông đã khôi phục quyền kiểm soát của Nhà nước đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên trước đây nằm trong tay các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là dầu khí; đàm phán nhằm giảm trả nợ nước ngoài sau khi coi các khoản nợ dưới thời các chính phủ trước là bất hợp pháp; tăng thu phí đối giấy phép hoạt động của các công ty điện thoại di động xuyên quốc gia...

Những biện pháp trên cho phép Nhà nước có nguồn tài chính dồi dào để cấp tín dụng sản xuất ưu đãi, và thực thi một loạt các chương trình xã hội nhằm cải thiện đời sống của người nghèo.

Tại Ecuador, một đất nước với khoảng 15 triệu dân nhưng gần 2 triệu bà mẹ độc thân và người già, người tàn tật không có bảo hiểm được nhận trợ cấp hàng tháng 50 USD/người.

Khoảng 2,1 triệu học sinh được ăn miễn phí tại trường học. Học sinh được cấp sách vở, dụng cụ học tập và đồng phục miễn phí. Điều này có được là nhờ đầu tư trong lĩnh vực giáo dục năm 2011 tăng 8 lần so với năm 2006, lên 763 triệu USD.

Bên cạnh đó, tất cả công dân được khám bệnh và cấp thuốc không mất tiền tại các bệnh viện công. Sự quan tâm của chính phủ đối với sức khỏe người dân khiến các bệnh liên quan tới sự đói nghèo như ho lao và sốt rét giảm mạnh.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ecuador đã tăng bình quân hàng năm 4,3% trong những năm 2007-2012, cao hơn mức bình quân 3,5% của khu vực Mỹ Latinh. Riêng năm ngoái mức tăng là 5,2%.

Đồng hành với phát triển kinh tế là nỗ lực thực hiện công bằng xã hội. Dưới thời Tổng thống Correa, tỷ lệ nghèo tại Ecuador đã giảm mạnh, từ 37,6% năm 2006 xuống 25,3% năm 2012; trong khi tỷ lệ bần cùng giảm tương ứng từ 16,9% xuống 9,4%.

Mặt khác, hệ số Gini - biểu thị sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập trong xã hội - giảm từ 0,54 năm 2006 xuống 0,47 năm 2011 (hệ số Gini càng gần 0 thì thu nhập càng bình đẳng giữa người giàu và người nghèo).

Cuộc sống hạnh phúc cho mọi người dân

Trước khi Tổng thống Correa nhậm chức, Ecuador đối mặt với khủng hoảng kinh tế triền miên. Cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 90 của thế kỷ trước do các chủ nhà băng gây ra khiến hàng chục ngàn người phải bỏ tổ quốc để lánh nạn. Thậm chí, từ năm 2000, Ecuador không có đồng tiền nội tệ vì sử dụng đồng USD như là một biện pháp đối phó với khủng hoảng.

Thế nhưng, với Tổng thống Correa lên cầm quyền, Ecuador đã có những đổi thay sâu sắc và tận gốc về chính trị, kinh tế và xã hội. Và cùng với những thay đổi này là sự đổi đời của số đông người nghèo.

Trước đây, dầu mỏ là nguồn thu ngân sách quan trọng nhất, thế nhưng giờ đây thuế mới là nguồn thu số 1 và điều này cho thấy sự đa dạng hóa nền kinh tế, cho phép kinh tế không bị ảnh hưởng nhiều trong trường hợp giá dầu mỏ giảm trên thị trường quốc tế.

Với thu ngân sách gia tăng, chưa bao giờ tại Ecuador Nhà nước lại rót nhiều vốn cho xây dựng đường sá, bệnh viện và trường học như trong thời gian qua. Trong 6 năm qua, chính phủ Ecuador đã xây dựng hoặc nâng cấp khoảng 9.000km đường, xây mới 27 bệnh viện, cải tạo gần 500 trạm xá và hàng trăm trường học, xây mới hàng trăm ngàn ngôi nhà.

Việc triển khai các dự án hạ tầng này, đặc biệt là các dự án đường sá, đã tạo nhiều việc làm và giúp Ecuador khép lại năm 2012 với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong lịch sử nước này, với 4,8%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 9,8% năm 2007, năm ông Correa nhậm chức.

Một trong những thành tựu khác của chính phủ được người dân cũng như các tổ chức quốc tế đánh giá cao là trong giai đoạn 2006-2011, gần 450.000 trẻ em không còn phải lao động để kiếm sống.

Có thể nói, tất cả các cam kết tranh cử được Tổng thống Correa đưa ra cách đây 6 năm đều được thực hiện đúng lộ trình và điều này giải thích tại sao tỷ lệ ủng hộ của dân chúng đối với sự điều hành đất nước của ông luôn không dưới 65%, điều hiếm có tại Mỹ Latinh.

Trong cương lĩnh tranh cử giai đoạn 2013-2017, Tổng thống Correa đã đề ra phương hướng và những biện pháp xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và dân chủ hơn.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu trên, các thách thức đặt ra đối với Tổng thống Correa là không nhỏ. Một số dự luật quan trọng liên quan tới nước, phân phối đất đai, truyền thông và dự thảo bộ luật hình sự vẫn chưa được thông qua do các nghị sỹ đối lập tại Quốc hội cản trở.

Hiện tại Liên minh Đất nước có 59 trên tổng số 137 ghế tại Quốc hội. Tuy nhiên đây chỉ là đa số ghế tương đối.

Đảng cầm quyền hy vọng sẽ giành tối thiểu 69 ghế trong cuộc bầu cử này, tức là đạt được đa số tuyệt đối, để có thể dễ dàng thông qua các điều luật nhằm đưa đất nước tiến tới “Chủ nghĩa xã hội của cuộc sống hạnh phúc”./.