Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cánh cửa phòng đại biểu Quốc hội cần luôn mở với báo chí

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Ngày 29/9, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức tọa đàm “Báo chí với hoạt động của Quốc hội”.

Đây là diễn đàn để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng tiếp xúc với báo chí giữa nhiều ĐB Quốc hội Khóa XIII và những ĐB lần đầu tham gia Quốc hội Khóa XIV và phóng viên báo đài theo dõi nghị trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của dân, thay mặt Nhân dân quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước. Mỗi lần “ấn nút” của các ĐB Quốc hội có thể tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, ảnh hưởng đến hàng triệu cá nhân, gia đình và tổ chức. Do đó cần nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của Quốc hội. Sự phát triển và vai trò của mạng xã hội là không thể phủ nhận nên nếu không cung cấp thông tin kịp thời thì mạng xã hội sẽ chiếm lĩnh vị trí quan trọng của trận địa thông tin.

Toàn cảnh buổi  tọa đàm. Ảnh: Minh Hiền

Theo Đại tá Đỗ Phú Thọ - Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 1, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân: Nếu ĐB Quốc hội phát biểu trong hội trường mà không có báo chí thì chỉ nói cho gần 500 ĐB khác nghe. Nhưng nếu có sự tham gia của báo chí thì hàng vạn, hàng triệu người cùng được biết đến thông điệp mà ĐB Quốc hội muốn gửi tới.  Tuy nhiên có một thực tế là không ít ĐB, đặc biệt với người lần đầu tham gia Quốc hội ngại tiếp xúc với báo chí. Ngoài lý do về kỹ năng giao tiếp, còn có nguyên nhân quan trọng là các ĐB sợ các nhà báo nói sai ý, cắt xén, lắp ghép các ý kiến của mình. Vì thế, để làm bạn đồng hành với các ĐB, các nhà báo cần phản ánh chính xác, khách quan, trung thực những thông tin từ ĐB Quốc hội. Nhà báo tin ĐB Quốc hội thì ĐB Quốc hội cũng phải tin báo chí.
Là một người rất “xởi lởi” với báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Khóa XIII Lê Như Tiến cho rằng: Thông qua trả lời phỏng vấn báo chí, cử tri sẽ nhận biết được hoạt động thực chất của ĐB Quốc hội như thế nào, đây cũng là một kênh thông tin hữu hiệu nhất để ĐB xây dựng hình ảnh của mình trước cử tri và công chúng. “Nguyên tắc trả lời phải luôn đi thẳng vào vấn đề được hỏi, không vòng vo, không né tránh những câu hỏi “hóc búa”, nhạy cảm và phải có chính kiến của mình” - ông Lê Như Tiến chia sẻ và cũng gửi thông điệp tới các ĐB lần đầu tham gia nghị trường là: “Cánh cửa phòng ĐB Quốc hội luôn mở với báo chí; Báo chí cần mình là dư luận xã hội cần mình, là cử tri cần mình...”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cũng cho rằng: Đại diện cho dân mà không có hoạt động liên quan báo chí là không được, bởi qua báo chí người dân mới biết Quốc hội hoạt động như thế nào. Do đó việc tiếp xúc và trả lời báo chí vừa là quyền nhưng vừa là trách nhiệm của ĐB, muốn Quốc hội minh bạch vì dân thì phải coi đó là trách nhiệm.
Một số ý kiến cho rằng, nhiệm vụ của ĐB Quốc hội là lắng nghe dân và truyền tải ý kiến của Nhân dân đến với Quốc hội. Tuy nhiên, không phải lúc nào các ĐB cũng có thể trực tiếp gặp gỡ hay tìm hiểu hết được những vẫn đề bức xúc của cử tri, của xã hội nên các ĐB Quốc hội cần nắm bắt những vấn đề đó qua báo chí. Theo ĐB Quốc hội Khoá XIII Bùi Thị An: Báo chí và ĐB Quốc hội phải luôn đồng hành để cử tri biết và giám sát. Vừa qua hầu hết các vụ việc tiêu cực bị phanh phui đều có đóng góp rất quan trọng, thậm chí có vụ mang tính quyết định của báo chí. Nhờ lòng dũng cảm, sự tâm huyết, các nhà báo đã không quản ngại khó khăn gian khổ, thậm chí tính mạng bị đe doạ để nêu lên mặt báo những bức xúc của dân, đưa ra ánh sáng những vụ việc tiêu cực...