KTĐT - Tối qua (13/11) tại TP.HCM đã diễn ra Lễ trao giải Cánh diều dành cho phim ngắn năm 2009. Đây là giải thưởng thường niên lần thứ 7 do Hội Điện ảnh VN tổ chức nhằm ủng hộ các sáng tạo và thể nghiệm của tác giả mới.
Từ khoảng 90 tác phẩm (phim truyện, phim tài liệu và phim hoạt hình) gửi dự thi, BGK đã chọn ra 12 tác phẩm xuất sắc nhất để dự giải.
Thiếu ban sơ khảo, nên BGK phải xem cả 90 phim!
BGK năm nay gồm nhà biên kịch Nguyễn Hồ, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, đạo diễn Lê Bảo Trung, nhà thơ - đạo diễn Phan Huyền Thư.
Trước giờ công bố kết quả, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói rằng mọi người đã làm việc rất vất vả, vì thiếu ban sơ khảo từ đầu, nên BGK phải xem khoảng 90 phim để chọn ra 12 phim vào chung khảo. Do thiếu thông tin nên nhiều phim hay của các tổ chức, cá nhân đã không gởi tới.
Anh cho biết, các tác giả Trường ĐHSKĐA Hà Nội đã gửi nhiều bài tập làm phim đến tham dự, trong khi Trường ĐHSKĐA TP.HCM thì đã có ý thức làm phim ngắn ngay từ ban đầu, nên có nhiều “phim ra phim” hơn. Quan điểm của BGK là chấm phim chứ không phải chấm các bài tập làm phim, nên những vấn đề về kỹ thuật, kỹ xảo, chiếu sáng... không quan trọng bằng việc phim ấy hay không? Cho nên, nếu kết quả có nghiêng về các tác giả ở miền Nam thì cũng đúng thôi, vì nhiều phim đầu tư công phu từ ý tưởng kịch bản, phương pháp thể hiện và ý nghĩa.
Một đạo diễn trẻ trong vai trò khán giả cũng đồng ý rằng nếu phải xem 62 phim truyện ngắn, 22 phim tài liệu và 6 phim hoạt hình để chọn ra danh sách 12 phim chung khảo, gồm 8 phim truyện, 2 tài liệu và 2 hoạt hình là cả sự thách thức. Thời gian làm việc lại gấp rút, những sai sót hoặc bỏ sót là khó tránh khỏi, BTC cần phải rút kinh nghiệm trong chuyện này.
Hay và dở, đủ cả!
Về chất lượng phim, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết, anh thích nhất phim Giao thừa của Hồ Thanh Tuấn, tuy có copy chút hình ảnh, nhưng từ thiết kế hình ảnh, tính tư tưởng và cách kể chuyện đều khá bài bản, biết tiết chế, ẩn ý. Ngoài ra, phim tài liệu Bà ngoại leo dừa của Đỗ Thành An cũng đáng xem, tuy đạo diễn chưa thạo nghề tài liệu, nhưng lại khai thác được chất liệu và có cách đi đúng hướng. Đạo diễn Lê Bảo Trung cho rằng một đặc điểm nổi bật của năm nay là nhiều tác giả đã thể hiện được sự tìm tòi, sáng tạo trong kịch bản, cách thực hiện và cả các kỹ thuật, kỹ xảo.
Các phim như Một ngày - mọi ngày (phim truyện, 5 phút) của Nguyễn Thị Ngọc Châu; Bà ngoại leo dừa (tài liệu, 20 phút); Sadi đuổi quạ (tài liệu, 17 phút) của Phạm Trần Bảo Quyên, Trường ĐHSKĐA TP.HCM; Chú bé đánh giày (hoạt hình, 9 phút) của Doãn Thanh, Trường ĐHSKĐA Hà Nội... đều là những tác phẩm chất lượng, mang đến cho người xem những nét độc đáo, tươi mới.
Sau khi xem cả 12 phim chung khảo, Châu Quang Phước (biên kịch, viết phê bình phim) cho rằng phim tài liệu là được nhất, vì ở đó có những câu chuyện chân thật, dễ được đồng cảm; còn các tác phẩm khác chưa thực sự đi vào được những câu chuyện đương đại, thiếu sức sống mới. Riêng về phim truyện, Châu Quang Phước cho rằng vẫn giống như các năm trước, đó là cách “rút gọn” thời gian của các kịch bản phim dài, chứ chưa thực sự là phim ngắn, theo nghĩa các lát cắt sắc và mạnh. Hai phim “tiêu biểu” cho kiểu rút gọn này là Hồn cát và Giao thừa. Phim Hình và bóng (17 phút) của Trần Quang Minh, Trường ĐHSKĐA Hà Nội, chịu ảnh hưởng nặng nề phong cách, cấu tứ của Vương Gia Vệ, đặc biệt là tác phẩm Tâm trạng khi yêu. Phim Hồn cát (28 phút) của Nguyễn Tấn Phước thì lại nặng về tính luận đề, với câu chuyện khá áp đặt người xem...
“Những nhận xét của tôi có thể làm cho nhiều người phật ý, nhưng tôi không thất vọng hay kỳ thị gì cả, vì biết rằng điều kiện làm phim ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, giữa những người làm nghề với nhau, ai mà không muốn kỳ vọng nhiều hơn nữa” - Châu Quang Phước nói thêm.
Giải Cánh diều dành cho phim ngắn năm 2009 kết thúc với 1 Cánh diều Vàng cho phim truyện Giao thừa (30 phút) của Hồ Thanh Tuấn; 2 Cánh diều Bạc cho phim tài liệu Bà ngoại leo dừa (20 phút) của Đỗ Thành An và phim hoạt hình Chú bé đánh giày (9 phút) của Doãn Thành; 3 giải Khuyến khích cho phim truyện Hồn cát (28 phút) của Nguyễn Tấn Phước, phim tài liệu Sadi đuổi quạ (17 phút) của Phạm Trần Bảo Quyên, phim truyện 2-4-6-3-5-7-Chủ nhật (29 phút) của Nguyễn Quang Minh. Ngoài ra BTC còn tặng bằng khen cho các phim còn lại trong 12 phim, chỉ trừ phim truyện Kỷ niệm (10 phút) của Nguyễn Quang Tuyến là không nhận được giải nào. |