Cánh đồng sâm Bố Chính của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm, ở xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Nguyễn Mai |
Hơn 1 năm về trước, bà Uông Tuyết Nhung - Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) đã mạnh dạn bắt tay vào trồng trên diện tích 5ha đất thuê của hơn 100 hộ nông dân vốn đang được trồng sắn, trồng ngô. Với mức giá HTX thuê của bà con là 1,5 triệu đồng/sào/năm, tính ra còn cho thu nhập cao hơn cả cây ngô, cây sắn nên được nông dân rất đồng tình. Không chỉ dừng lại ở đó, mô hình trồng sâm còn tạo công ăn việc làm cho 30 lao động thường xuyên người địa phương với mức lương ổn định 6 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về nguồn gốc của loại sâm quý, bà Uông Tuyết Nhung cho hay, sâm Bố Chính được phát hiện đầu tiên ở châu Bố Chính (nay là vùng Bố Trạch, Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cách đây khoảng 300 năm trước và được đặt tên theo địa danh. Nó từng là một sản vật quý của người dân nơi đây dùng để tiến cúng cho các vị vua triều Nguyễn. Theo biến thiên của lịch sử, giống sâm quý dần thu hẹp, gần như bị tuyệt chủng cho đến 3 - 4 năm gần đây được một số cá nhân phục hồi lại.
Mô hình trồng sâm Bố Chính được HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm canh tác theo quy trình hữu cơ, có ứng dụng một phần công nghệ cao ở những công đoạn như: Tưới nước tự động, ươm giống. Theo bà Nhung, thời vụ trồng sâm bắt đầu vào mùa Xuân, đến tháng thứ 9 sẽ được thu hoa, đến mùa Xuân năm sau sẽ được thu củ. Cả lá, hoa và củ sâm Bố Chính đều có thể chế biến thành thực phẩm chức năng, bồi bổ cho sức khỏe của con người.
Sản phẩm củ sâm Bố Chính tươi. Ảnh: Nguyễn Mai |
Hiện, trung bình mỗi ngày HTX thu hái khoảng 300 - 400kg hoa sâm, đem sấy lạnh hoặc để chế biến thành trà sâm, được bán với giá 70.000 đồng/hộp 65gram.
Ngoài ra, HTX còn chế biến ra 15 loại sản phẩm khác nhau từ hoa, lá, thân và củ sâm như: Mỹ phẩm dưỡng da, tinh bột hoa sâm nano, tinh bột nhân sâm nano, sâm tươi… Ước tính khi thu hoạch trọn 1 vụ mỗi héc ta sâm Bố Chính cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.
Nói về định hướng phát triển trong thời gian tới, bà Nhung cho biết: “Nếu mô hình trồng sâm Bố Chính thành công, những năm sau, HTX sẽ vận động bà con có đất tham gia tiếp, hỗ trợ họ về mặt kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm. Về lâu dài HTX nghiên cứu các phương thức tích tụ ruộng đất trong đó có việc kêu gọi nông dân sử dụng chính thửa đất của mình để góp cổ phần. Có cổ phần, kinh doanh hiệu quả, nông dân sẽ tự khắc hào hứng, chủ động tham gia chứ không chỉ bị động là cho thuê đất rồi làm thuê trên chính mảnh đất của mình như đang áp dụng”.
Thành công bước đầu của mô hình trồng sâm Bố Chính ở Thanh Mỹ đang mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho thị xã Sơn Tây. Đây là mô hình mới với sản phẩm nông nghiệp được bảo quản, chế biến bằng công nghệ cao, có sự hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho nông dân về phát triển kinh tế tập thể.