Cảnh giác các chiêu lừa qua mạng

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự bùng nổ, phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã mang lại nhiều tiện ích cho con người. Song, đi kèm với đó, tội phạm lừa đảo qua mạng cũng ngày càng phổ biến và tinh vi hơn, gây bức xúc trong Nhân dân và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Những chiếc bẫy tinh vi được giăng sẵn trên mạng
Ngày 5/9 vừa qua, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã đưa ra cảnh báo, thời gian gần đây, cơ quan công an liên tiếp phát hiện một số đối tượng có hành vi tạo lập các trang mạng xã hội với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm. Số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng.

Thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là tạo lập các trang mạng xã hội (chủ yếu trên Facebook), sau đó đăng tải các bài viết, tạo dựng những nội dung không có thật về một số hoàn cảnh đang gặp khó khăn, hoạn nạn cần được giúp đỡ; hoặc giả mạo các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện được nhà nước cho phép, rồi đăng tải các bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ. Tinh vi hơn, một số đối tượng còn sử dụng các bài báo viết về các hoàn cảnh khó khăn đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để dẫn nguồn trên fanpage Facebook, rồi xen cài số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các đối tượng tự tạo lập quản lý, để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ.
 Người dân cần tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội facebook để tránh bị lừa đảo. Ảnh: Hải Linh
Các bài viết được các đối tượng đăng tải trên các trang mạng xã hội đã thu hút hàng chục nghìn người quan tâm theo dõi, gửi tiền ủng hộ từ 50.000 đồng đến 5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận số tiền được các nhà hảo tâm chuyển đến, các đối tượng không bàn giao tiền từ thiện cho các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn mà sử dụng hết vào mục đích cá nhân; hoặc chỉ chuyển một phần rất nhỏ để làm hình ảnh nhằm tiếp tục “kêu gọi từ thiện”...

Từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng công an trong cả nước đã liên tiếp phát hiện, xử lý các đối tượng quản trị các trang fanpage Facebook hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tương tự như trên. Điển hình như Fanpage “Chia sẻ vì người nghèo”, “Hỗ trợ trẻ em”, “Quỹ bảo trợ trẻ em”, “Phật tại tâm”, “Chia sẻ yêu thương”, “Kết nối yêu thương”, “Quan thế âm bồ tát”...

Theo Công an tỉnh Hưng Yên, thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương nhận được nhiều đơn tố cáo liên quan đến việc lừa đảo của các trang website “kiếm tiền online” như http://app.goldfingeronline.com... Nhiều bị hại đã bị dụ dỗ, truy cập vào các trang web kiếm tiền qua mạng với lợi nhuận cao để rồi tiền kiếm về chưa thấy, chỉ thấy “tiền mất, tật mang”.

Chiêu lừa cũ, nạn nhân mới

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, lừa đảo qua mạng là chiêu trò cũ, từ khi mạng internet mới xuất hiện và phổ biến kể từ khi các mạng xã hội như Facebook, Zalo được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, mặc dù đây là hiện tượng cũ nhưng thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng luôn được “đổi mới”, từ việc mạo danh các tổ chức, cá nhân nhắn tin cho người dùng đề nghị chuyển tiền rồi bỏ trốn, tổ chức các sàn giao dịch tiền ảo bản chất đa cấp biến tướng, sử dụng mạng xã hội để kêu gọi vốn đầu tư với cam kết lợi nhuận khủng đến tổ chức kêu gọi từ thiện cho các hoàn cảnh khó khăn nhưng không đưa tiền quyên góp đến người cần giúp đỡ…

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo của cơ quan có thẩm quyền, nhiều vụ án được phát hiện và xử lý, các cơ quan truyền thông báo chí đã đăng tin rộng rãi nhưng vẫn có nhiều người mắc bẫy các đối tượng lừa đảo dẫn đến mất tài sản. Có thể do thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày một tinh vi hơn, thực hiện dưới nhiều hình thức hơn. Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng khác là ở chính những nạn nhân của các hành vi lừa đảo này. Nhiều người vì nhẹ dạ cả tin, chỉ qua các tin nhắn qua mạng mà đã tin tưởng chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho các đối tượng.

"Với những cá nhân thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hình phạt cao nhất đối với người phạm tội này là tù chung thân." - Luật sư Đào Nguyên Thuật - Đoàn Luật sư TP Hà Nội