Cảnh giác chiêu lừa chiếm đoạt tài khoản ngân hàng

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi như mạo danh cơ quan chức năng, trao đổi buôn bán, quảng cáo sản phẩm, thông báo trúng thưởng để lừa đảo gian lận chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.

Để tránh bẫy của kẻ gian, cơ quan công an, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng đề cao cảnh giác khi có nghi ngờ về hành vi lừa đảo.
Hàng loạt vụ mất tiền qua tài khoản

Thông tin từ Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết đang phối hợp các cơ quan chức năng điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị hại là người trên địa bàn quận. Trước đó, chị N.T.H.L. (trú tại quận Hoàn Kiếm) nhận được điện thoại từ một người tự xưng là nhân viên một cơ quan tư pháp. Người này thông báo đang điều tra về vụ án lớn, liên quan nhiều người, trong đó có chị L. Sau đó, người này tiếp tục thông tin cho chị những câu chuyện dọa dẫm, yêu cầu chị L. phải lập tài khoản ngân hàng mới, chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm sang tài khoản mới để cơ quan chức năng bảo vệ tài sản cho gia đình chị. Do hoảng sợ, chị L. đã làm theo yêu cầu của người tự xưng là nhân viên cơ quan tư pháp, ra ngân hàng lập 2 tài khoản khác; đồng thời chuyển lần lượt 13 tỷ đồng vào tài khoản mới. Sau đó, người này yêu cầu chị L. cung cấp mã OTP để phong tỏa tài khoản trên. Tin lời, chị L. làm theo yêu cầu của người này, chỉ trong ít phút, số tiền 13 tỷ đồng trong 2 tài khoản mới của chị đã bị rút hết. Sau khi bị rút hết tiền, chị L. mới biết bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
 Ảnh minh họa.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 10/2020, ông Trần Việt Luận (trú tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cho biết, tài khoản ngân hàng của mình bị kích hoạt ứng dụng trên thiết bị khác và bị chuyển 406 triệu đồng cho người khác chỉ vẻn vẹn trong 7 phút.
Theo đó, thông qua ứng dụng Digibank của Vietcombank, số tiền 406 triệu đồng trong tài khoản của ông Luận được chuyển tới 2 tài khoản ở các ngân hàng khác trong 4 giao dịch. Ông Luận cho biết mình không hề thực hiện các giao dịch này, và cũng không biết những người thụ hưởng là ai, khi ra ngân hàng mới biết đã bị mất tiền. Dựa trên công văn của Vietcombank, có thể thấy đối tượng lừa đảo đã chiếm được quyền kiểm soát, đọc tin nhắn điện thoại của ông Luận mới có thể nhập đúng OTP qua SMS tới 4 lần.

Có trường hợp, chủ tài khoản xác định được nguyên nhân như kích hoạt vào đường link lạ và bị chiếm quyền sử dụng tài khoản. Đơn cử như trường hợp chị Hoàng Hồng Đ. (ở Hà Nội, chuyên kinh doanh online) khi thanh toán chuyển khoản bị kẻ gian chiếm đoạt 450 triệu đồng. Cơ quan công an vào cuộc đã lật tẩy hành vi của đối tượng Nguyễn Quang Hiệp (SN 1999, ở Quảng Trị) sử dụng các chiêu trò như giả mạo tin nhắn chuyển tiền, lập trang web chuyentienquoctetructuyen; đồng thời thực hiện giao dịch mua bán và chuyển khoản qua Internet Banking với chị Đ. để chiếm quyền sử dụng tài khoản.

Nâng cao cảnh giác

Theo Bộ Công an, qua công tác nắm tình hình, lực lượng công an phát hiện thủ đoạn lừa đảo gian lận chiếm đoạt tài khoản ngân hàng. Đây là thủ đoạn mới và có thể là xu hướng tội phạm trong thời gian tới, để chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân. Người dân cần hết sức cảnh giác trước thủ đoạn phạm tội này của các đối tượng lừa đảo. Bộ Công an đề nghị, khi phát hiện hành vi lừa đảo, người dân cần thông báo ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết; hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên Chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an.

Liên quan các vụ việc lừa đảo, mất tiền qua tài khoản, các ngân hàng đã đồng loạt cảnh báo tới các khách hàng. Theo ngân hàng SHB, ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin đăng nhập, mã xác thực giao dịch và mật khẩu Internet Banking hoặc số PIN thẻ ATM, hoặc bất kỳ thông tin cá nhân của khách hàng qua email hay điện thoại. Do đó, để hạn chế tối đa rủi ro, các khách hàng tuyệt đối không cung cấp cho bất cứ ai thông tin về các dịch vụ ngân hàng, gồm tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực OTP ngay cả khi nhận được yêu cầu từ nhân viên ngân hàng.
Khách hàng không được thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng bất cứ khi nào nhận được cuộc điện thoại, tin nhắn có nội dung lạ, liên quan đến giao dịch ngân hàng (nạp thẻ, rút tiền, chuyển tiền qua ngân hàng, truy cập vào link lạ…). Các ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng đề cao cảnh giác, khi có nghi ngờ về hành vi lừa đảo, ngay lập tức liên hệ và phối hợp cùng ngân hàng kịp thời xử lý, ngăn chặn.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng, cùng với sự phát triển của internet, phần mềm thông minh, việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Khách hàng hoàn toàn có thể sử dụng tất cả những dịch vụ ngân hàng chỉ với một chiếc smartphone. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, những thủ đoạn lừa đảo ngày càng phức tạp, tinh vi hơn, đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng qua tin nhắn, điện thoại và mạng xã hội đang ngày càng có những diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức tinh vi khiến cho rất nhiều người rơi vào “bẫy” chỉ vì sự thiếu hiểu biết và chủ quan.

Mặc dù từ ngày 25/5/2020, Chỉ thị 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có hiệu lực. Đây là động thái thể hiện sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong việc chỉ đạo, huy động tất cả các ban ngành cùng vào cuộc xử lý mạnh mẽ hơn nữa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Pháp luật đã quy định rất cụ thể chi tiết về mức xử lý các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Theo quy định tại điều 174 và điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Ngoài ra, quy định tại Khoản 3 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 nêu rõ: Nghiêm cấm hành vi xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác và bị xử lý theo quy định tại Điều 81 Nghị định 15/2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
“Người dân cần phải nâng cao cảnh giác cũng như cần phải tố giác tội phạm để cùng với cơ quan chức năng, chuyên ngành có những biện pháp ngăn chặn và xử lý tốt nhất để đẩy lùi vấn nạn lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng qua tin nhắn, điện thoại và mạng xã hội” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cảnh báo.
Để người dân không bị dính bẫy của các đối tượng lừa đảo, mới đây, Công an quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tổ chức đặt các biển cảnh báo tại tất cả các phòng giao dịch trên địa bàn; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân mỗi khi đến ngân hàng rút tiền, nhân viên ngân hàng chủ động hỏi và hướng dẫn cho họ đọc những thông tin hướng dẫn. Từ công tác tuyên truyền đó, cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới hàng tỷ đồng...