Chiêu trò cho vay lãi suất thấp
Cuối tháng 9 vừa qua, Công an quận Tân Phú phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hồ Chí Minh) đã triệt phá đường dây lừa đảo mạo danh ngân hàng do Nguyễn Hoàng Thạch (28 tuổi, trú tại tỉnh Đồng Nai) cầm đầu.
Theo đó, Thạch thuê một căn nhà trên đường Trần Quang Quá (quận Tân Phú) và sắp xếp cho 82 người làm việc tại ba tầng của căn nhà trên để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhóm trên mạo danh nhân viên ngân hàng đưa ra thông tin gian dối về việc ngân hàng cho vay từ 20 - 100 triệu đồng với lãi suất 0%. Khách hàng nếu đồng ý vay phải đóng phí bảo hiểm tiền vay từ 1,7 - 3,9 triệu đồng tùy số tiền vay. Nếu khách hàng đồng ý vay thì nhóm trên sẽ lấy thông tin khách rồi chuyển lại cho Thạch để làm giả hồ sơ đồng ý cho vay vốn của ngân hàng. Bước đầu, nhóm Thạch khai đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người trên cả nước, riêng ở TP Hồ Chí Minh, nhóm này lừa hơn 600 người.
Công an thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng Lại Thị Ngọc Trang (sinh năm 1991) và Nguyễn Văn Trường (sinh năm 2002, cùng trú tại quận 7, TP Hồ Chí Minh) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet. Theo đó, Công an thị xã Hương Trà nhận được đơn trình báo của chị L.T.T. (sinh năm 1983, trú tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) về việc bị đối tượng Trang và Trường lừa đảo chiếm đoạt gần 43 triệu đồng. Các đối tượng yêu cầu chị L.T.T. đóng các loại phí để giải ngân gói vay vốn không cần thế chấp, lãi suất thấp, giải ngân nhanh. Đến nay, ước tính có hơn 10.000 người ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước bị nhóm đối tượng này lừa đảo.
Vụ việc tương tự, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Lê Văn Dinh (sinh năm 1996) và Lê Quý Cường (sinh năm 2003), cùng ở xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua công tác trinh sát, nắm tình hình trên không gian mạng, cơ quan công an phát hiện ổ nhóm đối tượng sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn giả danh ngân hàng cho vay vốn online.
Cụ thể, các đối tượng thiết kế giao diện giả mạo ngân hàng Sacombank với thông tin về việc cho vay vốn online rồi chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra xác định hai đối tượng Lê Văn Dinh, Lê Quý Cường đã lừa đảo chiếm đoạt của 70 người trên 600 triệu đồng.
Tránh sập bẫy các đối tượng lừa đảo
Theo đại diện các ngân hàng, chiêu trò của các đối tượng thường là lập ra danh sách các cá nhân mà các đối tượng đã thu thập được trên mạng xã hội Facebook, Zalo, app vay tiền online, tín dụng đen… Từ đó, các đối tượng đã xây dựng kịch bản, giả danh là nhân viên hoặc cán bộ ngân hàng, gọi điện thoại cho nạn nhân để chào mời vay tiền. Các ngân hàng đều khẳng định, họ không hề có chính sách tiếp cận khách hàng nào như trên và đó hoàn toàn là giả mạo.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào bằng thủ đoạn gian dối, chiếm đoạt tài sản của người khác tùy từng tình tiết sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 174 Bộ luật này về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Những chiêu trò lừa đảo, giả mạo nhân viên ngân hàng để trục lợi không còn quá xa lạ. Song thời gian qua, các đối tượng thực hiện những chiêu trò này ngày càng tinh vi hơn khiến cho không ít người chủ quan và đã bị mắc bẫy. Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh hiện nay, khi thông tin cá nhân của người dân bị lộ lọt rất nhiều.
Ngoài ra, nhiều người cũng do chưa hiểu rõ quy trình vay vốn tại các ngân hàng, thiếu cảnh giác và bảo mật thông tin cá nhân đã tạo điều kiện để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình.
Do đó, mọi người cần lưu ý, ngân hàng nào cũng có quy trình rõ ràng và chặt chẽ khi xét duyệt và giải ngân khoản vay. Ngân hàng cũng không bao giờ yêu cầu khách hàng nạp tiền/chuyển khoản/ đưa tiền mặt hay thu phí mở hồ sơ vay vốn cho bất kỳ cá nhân nào, kể cả nhân viên ngân hàng. Do vậy, khi thấy dấu hiệu bất thường từ các đối tượng yêu cầu chuyển tiền đến tài khoản lạ, người dân phải đặc biệt lưu ý, vì rất có thể đó là lừa đảo.
“Người dân cũng cần cảnh giác với điện thoại, tin nhắn, email xưng danh nhân viên ngân hàng tiếp thị và hướng dẫn vay vốn không rõ ràng và yêu cầu phải chuyển khoản, thu phí mở thẻ, vay vốn. Đặc biệt, tuyệt đối không được cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ để tránh bị các đối tượng xấu lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép. Khi có nhu cầu vay vốn, người dân cần tìm hiểu kỹ lưỡng, liên hệ những ngân hàng, đơn vị tài chính uy tín, tránh sập bẫy các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.