Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh giác trước thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch

Hồng Thái - Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây trên mạng xã hội, các thế lực thù địch và phản động kêu gọi "tổng biểu tình" dịp 2/9. Dù các thế lực thù địch có hô hào, kêu gọi, đưa ra những kịch bản gì thì đó cũng chỉ là những chiêu trò phá hoại lố bịch cần bị lên án.

Những ngày vừa qua, lợi dụng mạng xã hội, các thế lực thù địch đã kêu gọi, hô hào người dân trong nước “hưởng ứng”. Không khó để nhận thấy hầu hết các lời kêu gọi đều xuất phát từ nước ngoài và từ những kẻ cực đoan, hoang tưởng chính trị.

Với những người dân yêu nước chân chính, thực tiễn một số cuộc biểu tình thời gian qua cho thấy một sự thật là chưa bao giờ những lời kêu gọi đó mang lại điều gì tốt đẹp cho đất nước mà chỉ là sự kích động, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, thân thiện, an toàn trong mắt du khách và bạn bè quốc tế.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Người dân cũng phải hết sức cảnh giác với những lời xúi giục mang theo hung khí, gạch, đá… vì với hành vi này sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự và bị khởi tố bởi các tội danh như chống người thi hành công vụ, tội bạo loạn… theo quy định của pháp luật.

Ông Bùi Thanh Tuất - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố An Thái, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm cho biết, trong mỗi cuộc họp ở tổ dân phố, chi bộ, chúng tôi thường xuyên quán triệt tới các đảng viên, quần chúng Nhân dân về những hoạt động phản động, chống phá Nhà nước. Bên cạnh đó, cần phải đề cao cảnh giác trước mọi hoạt động, diễn biến của thế lực thù đich; kịp thời báo cáo với cơ quan công an và Đảng ủy phường.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh: Tập trung đông người là một trong những hoạt động cần thiết để người dân có thể bày tỏ một cách mạnh mẽ đến các vấn đề quan trọng trong xã hội, nhưng nếu người dân không hiểu rõ các quy định của pháp luật về vấn đề này hoặc lợi dụng tập trung đông người để thực hiện các mục đích xấu, gây xâm phạm trật tự, an toàn xã hội thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi.

Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, ATXH; phòng, chống TNXH; PCCC phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi gây mất trật tự ở những nơi công cộng như trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố,… thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng (điểm b khoản 1 điều 5). Hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng (điểm đ khoản 2 điều 5).

Về trách nhiệm hình sự, Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội “Gây rối trật tự công cộng” thì mức phạt thấp nhất là “phạt tiền từ 5.000.000 – 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”, mức phạt cao nhất là “phạt tù từ 2 - 7 năm” nếu hành vi vi phạm pháp luật có các tình tiết như: có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; xúi giục người khác gây rối; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng.

Công an tỉnh Bình Định phối hợp Công an tỉnh Phú Yên đã bắt giữ đối tượng Lê Quốc Bình (sinh năm 1974, hộ khẩu thường trú tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), đối tượng tham gia tổ chức khủng bố Việt Tân, từ Campuchia vượt biên về nước, mang theo nhiều vũ khí nhằm hoạt động khủng bố, phá hoại. Khám xét người, nơi ở của đối tượng, Công an tỉnh Bình Định thu giữ 2 súng quân dụng, 7 súng hơi và hơn 500 viên đạn các loại; 1 xe mô tô phân khối lớn cùng nhiều tài liệu có nội dung phản động chống phá Nhà nước.