[Cảnh giác với lừa đảo thời 4.0] Bài cuối: Chế tài nghiêm khắc với các hành vi phạm tội

Hà Thanh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị Luật sư Vũ Văn Biên (Công ty luật Khoa Tín) cho biết, theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi lừa đảo nói chung có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó mức hình phạt dành cho các hành vi lừa đảo trực tuyến hoặc lừa đảo qua điện thoại có thể lên tới 20 năm tù hoặc chung thân.

 Ảnh minh họa
.Theo quy định của pháp luật, những đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng, qua điện thoại sẽ bị xử lý như thế nào?
- Như đã trao đổi, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, mức phạt tù là từ 2 năm đến 7 năm. Với tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng có mức phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân sẽ áp dụng cho mức tài sản bị chiếm đoạt có giá trị 500 triệu đồng trở lên.
Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định chi tiết đối với một số hành vi chiếm đoạt tài sản khác bằng cách sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số. Mức phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, mức án cao nhất có thể lên đến 20 năm tù. Trong xét xử, khi xét thấy trường hợp phạm tội thuộc một trong các mô tả tại Điều 290 thì hành vi đó được coi là tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp tội phạm không thỏa mãn mô tả tại Điều 290 nhưng vẫn có hành vi chiếm đoạt tài sản xảy ra thì có thể sử dụng Điều 174 là căn cứ pháp lý để xử lý.
Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người đó sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, người có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng.
 
Khi là nạn nhân của những vụ lừa đảo dạng trên, người bị hại muốn tố cáo phải làm thế nào, thưa ông?
- Khi phát hiện có hành vi tội phạm thì mọi công dân đều có quyền tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Việc tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản. Các cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm gồm: Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát các cấp, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác. Người bị hại hoàn toàn có quyền gửi nhiều cơ quan cùng một lúc.
Luật sư có đánh giá thế nào về các mức hình phạt hiện nay, liệu đã đủ tính răn đe cho các đối tượng đã hoặc có ý định thực hiện hành vi lừa đảo?
- Các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng hoặc qua điện thoại là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khi pháp luật đã quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù hoặc tù chung thân do mức độ nguy hiểm của hành vi này đối với xã hội là đặc biệt lớn. Nhưng, thực trạng lừa đảo vẫn diễn ra thường xuyên với mật độ dày hơn. Nguyên nhân không đến từ quy định của pháp luật chưa đủ sức răn đe, mà tình trạng bỏ lọt tội phạm vẫn còn xảy ra nhiều. Nhiều vụ việc không được Nhân dân tố giác, không được xử lí kịp thời, triệt để hoặc các cơ quan hành pháp chưa thực sự vào cuộc quyết liệt và đâu đó còn có những nơi không đủ khả năng để phát hiện, xử lý tội phạm công nghệ cao...
Trong nhiều vụ lừa đảo đã diễn ra, ngân hàng và ví điện tử là phương tiện để kẻ gian trung chuyển số tiền lừa gạt được. Vậy các ngân hàng và ví điện tử có trách nhiệm liên đới gì trong vụ lừa đảo không? Nếu có thì họ phải chịu trách nhiệm gì?
- Trên phương diện pháp luật, chủ thể thực hiện tội phạm mới là đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Hình sự. Theo đó, hình phạt chỉ được áp dụng đối với người hoặc pháp nhân có hành vi vi phạm pháp luật được quy định trong Bộ luật này.
Các hành vi phạm tội được Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 quy định gồm: Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ; làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ; truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản; lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ...
Trong trường hợp này, ngân hàng và ví điện tử là nơi trung chuyển, chứa đựng tài sản là tiền đã được số hóa. Ngân hàng hay ví điện tử không biết và không có nghĩa vụ phải biết nguồn gốc của số tiền có hợp pháp hay không trừ các khoản tiền lớn và/hoặc các giao dịch bất thường được quy định trong Luật Phòng, chống rửa tiền số: 07/2012/QH13. Ngân hàng và ví điện tử cũng không có thẩm quyền điều tra việc này.
Người phạm tội sử dụng ngân hàng và ví điện tử như một công cụ hỗ trợ để tiếp nhận số tài sản chiếm đoạt được thông qua hành vi lừa đảo; không thể khẳng định được rằng, ngân hàng hay ví điện tử có hành vi chỉ đạo, xúi giục hay giúp sức kẻ gian để hoàn thành tội phạm. Vì thế, khó hoặc không thể xác lập trách nhiệm liên đới giữa ngân hàng, ví điện tử với người thực hiện hành vi phạm tội. Trừ trường hợp chứng minh rõ được có thỏa thuận giữa tổ chức, cá nhân lừa đảo nhằm mục đích thông đồng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Điển hình như vụ án đánh bạc qua mạng vừa qua với số lượng tiền lớn trong thời gian dài đã được chuyển qua các cổng thông tin điện tử cùng các thỏa thuận ăn chia hoa hồng rất rõ với Công ty sở hữu trang web đánh bạc…
Tuy nhiên, giữa người sử dụng dịch vụ và ngân hàng cũng như ví điện tử có thỏa thuận bảo mật về thông tin chủ tài khoản; đây là một điều khoản quan trọng ràng buộc trách nhiệm phải bảo vệ “tài sản nhân thân” của khách hàng trước sự chiếm đoạt từ bên ngoài. Vì vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ, ngân hàng hay cổng trung gian thanh toán, ví điện tử không đảm bảo bảo mật, xảy ra tình trạng rò rỉ thông tin khách hàng thì các tổ chức tín dụng này phải chịu trách nhiệm độc lập với khách hàng vì hành vi vi phạm điều khoản trong hợp đồng như khôi phục tài khoản, bồi thường các khoản tiền bị mất do hoạt động lừa đảo, lỗ hổng bảo mật của ngân hàng, cổng trung gian thanh toán, ví điện tử…
Luật An ninh mạng có vai trò gì trong việc hạn chế tình trạng lừa đảo qua mạng, qua điện thoại?
- Luật An ninh mạng 2018 là một văn bản pháp lý quan trọng để Nhà nước thực thi chức năng bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với tội phạm sử dụng công nghệ, thiết bị số để chiếm đoạt trái phép tài sản. Tại Điều 18 Luật An ninh mạng, quy định rõ vai trò trong việc phòng chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, tại điểm b, c chỉ ra các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội: Chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng; Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng trái phép các phương tiện thanh toán.
Xin cảm ơn Luật sư!