Cảnh giác với những “dự án ma” nhà đất

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, một số đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin để trục lợi, lừa đảo khách hàng mua các “dự án ma” nhà đất. Hệ quả là người mua bất động sản mất tiền, trong khi dự án không có trên thực tế.

Tái diễn chiêu lừa “dự án ma”
Ngày 10/11, Viện KSND TP Hồ Chí Minh cho biết, đã hoàn tất cáo trạng truy tố Trần Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Ngọc Hoàng, Nguyễn Vũ Như Khương, Bùi Nhật Tân, Trần Văn Vân, Phạm Thị Tuyết Nhung (cùng làm nghề kinh doanh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự. Cáo trạng xác định các bị can đã sử dụng pháp nhân Công ty TNHH Đất Vàng Hoàng Gia và Công ty TNHH Hoàng Kim Land lừa đảo gần 200 người, chiếm đoạt gần 260 tỷ đồng.
''Dự án ma'' của Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba tại xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Huỳnh Sơn
Cụ thể, với thủ đoạn tìm mua những thửa đất có mục đích sử dụng đất khác nhau, như đất ở, đất trồng cây lâu năm... sau đó, các bị can thỏa thuận việc mua bán và thanh toán một phần tiền cho các chủ đất. Dù chưa hoàn tất thủ tục sang tên chuyển nhượng đất, chưa thanh toán tiền, không làm hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất và không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng các bị can đã thuê kiến trúc sư thiết kế các thửa đất thành dự án đất ở đô thị có bản vẽ 1/500 hoàn chỉnh, có đầy đủ hạ tầng... Dù các bản vẽ này chưa được gửi đi xin phép, phê duyệt, nhưng các bị can đã bán đất nền dự án dưới dạng “Hợp đồng đặt cọc”, “Hợp đồng góp vốn”... thu tiền và chiếm đoạt của người mua đất.

Viện KSND TP Hồ Chí Minh xác định Trần Thị Mỹ Hiền (nguyên Giám đốc Công ty Đất Vàng Hoàng Gia) là chủ mưu chỉ đạo các đồng phạm sử dụng các pháp nhân 2 công ty trên tự lập dự án khu dân cư không có thật… Tuy nhiên, do Hiền có vấn đề về tâm thần đang bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc nên cơ quan điều tra tạm đình chỉ điều tra khi có căn cứ sẽ phục hồi xử lý sau.

Bị can Hạnh, với tư cách Giám đốc đại diện pháp nhân Công ty Hoàng Kim Land đã ký 158 hợp đồng, thuộc 7 dự án và 4 căn nhà, cùng đồng bọn chiếm đoạt 184 tỷ đồng. Bị can Hoàng với tư cách đại diện pháp nhân 2 công ty trên giúp sức cùng các bị can chiếm đoạt 12 tỷ đồng, liên quan 4 dự án không có thật. Bị can Vân ký 14 hợp đồng của dự án Phạm Hùng cùng chiếm đoạt 21 tỷ đồng...

Câu chuyện “dự án ma” không chỉ bây giờ mới xảy ra, mà trước đó Công ty Địa ốc Alibaba đã từng lừa đảo hàng nghìn khách hàng. Tại Hà Nội, nhiều khu đất chưa được phê duyệt, thậm chí chưa chuyển đổi mục đích sử dụng song vẫn được rao bán dưới dạng đất nền dự án, như dự án Golden Lake Hòa Lạc (thị xã Sơn Tây), dự án Adoland Capital 8 (huyện Quốc Oai), dự án khu dân cư Tiến Xuân Green (huyện Thạch Thất)...

Đừng để “tiền mất, tật mang”

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, “dự án bất động sản ma” là từ dùng để chỉ các dự án mà chủ đầu tư không có quyền thực hiện dự án, không có quyền sử dụng đất dự án, không được phép xây dựng nhà ở hay chuyển nhượng dự án mà họ chỉ lập nên các dự án đó nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Họ “vẽ” ra các hạng mục công trình trên dự án như nhà chung cư, căn hộ… với giá thấp so với thị trường để rao bán cho người có nhu cầu. Yêu cầu người mua đặt cọc, ký hợp đồng và khi lấy tiền, họ chiếm đoạt số tiền đó và bỏ trốn.

Để tránh gặp phải các “dự án ma” như trên, nhà đầu tư, người có nhu cầu mua nhà cần tìm hiểu kỹ về tính hợp pháp của các dự án đó, tìm hiểu xem chủ đầu tư thực hiện dự án đó có tồn tại hay không. Sau đó, đề nghị họ cho xem bản sao chụp các loại giấy tờ chứng minh như Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Hợp đồng thuê đất… để đảm bảo chủ đầu tư được phép thực hiện dự án. Hoặc người mua nhà có thể liên hệ với các cơ quan nhà nước để tìm hiểu về các dự án này. Nếu các cơ quan nhà nước trả lời rằng, họ chưa hề cấp phép dự án đó hay tại địa phương đó không có dự án nào như thế, chắc chắn đó là dự án lừa đảo. Bên cạnh đó, nên tránh các lời chào mời mua nhà hay đầu tư bất động sản với điều kiện ưu đãi quá mức. Ví dụ như giá quá rẻ so với thị trường hoặc cam kết lợi nhuận quá cao đến mức vô lý thì rất có thể đó là những dấu hiệu bất thường mà người mua đất nhà nên tránh. Nếu đã chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo, khả năng lấy lại rất khó khăn, kể cả khi những đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhiều trường hợp mặc dù cơ quan điều tra bắt được người phạm tội nhưng số tiền do phạm tội mà có cũng không thu hồi được.

“Đối với các đối tượng lập dự án lừa đảo, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội này có thể bị phạt tù chung thân nếu số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng thông tin.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần