Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh giác với những siêu trộm "dạt vòm"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tội phạm trộm cắp hiện có xu hướng hoạt động liên tỉnh. Khi phát hiện sơ hở của một hộ gia đình nào đó, chúng sẽ liên lạc bằng điện thoại, quy tụ nhau lại cùng gây án.

KTĐT - Tội phạm trộm cắp hiện có xu hướng hoạt động liên tỉnh. Khi phát hiện sơ hở của một hộ gia đình nào đó, chúng sẽ liên lạc bằng điện thoại, quy tụ nhau lại cùng gây án. Sau khi xong việc, chúng sẽ lập tức "cao chạy xa bay" đi các tỉnh thành khác kiếm mồi khiến việc điều tra truy xét, bắt giữ đối tượng gây án khá khó khăn.

Gần đây, trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội, liên tiếp xảy ra các vụ trộm đột nhập lấy cắp tài sản. Đối tượng gây án thường trèo qua tường rào vào, đập vỡ cửa kính, mở khóa cửa để vào nhà trộm cắp. Điều làm mọi người ngạc nhiên là, dù đối tượng gây án dùng vật cứng đập vỡ mảnh kính cửa, các mảnh kính rơi phát ra tiếng động, song gia chủ đều không hề hay biết.

Chỉ đến khi lực lượng Công an bắt được "siêu trộm" Đỗ Văn Quỳnh, 20 tuổi, trú tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, khi hắn đang gây án tại một gia đình ở phường Quảng An, mọi người mới lý giải được tại sao hắn lại không bị phát hiện trong một thời gian dài hoạt động. Kiểm tra người Quỳnh, tổ công tác thu được 1 thanh sắt dài khoảng 30cm, 1 cuộn băng dính và đôi găng tay len.

Quỳnh khai nhận đã gây ra gần 20 vụ trộm cắp tài sản. Hằng đêm hắn thường đi lang thang khắp nơi, phát hiện nhà dân nào cửa ra vào lắp kính nhưng không có chắn song, Quỳnh dùng băng dính dán kín lên các ô kính và đập vỡ. Các mảnh kính vỡ ra nhiều, tuy nhiên do được dính chặt băng dính nên không rơi xuống đất gây tiếng động. Sau đó hắn thò tay mở khóa vào trong nhà khoắng đồ.

"Siêu trộm" này khai, có vụ anh ta còn ngủ trong nhà bị hại để chờ thời cơ gây án. Cụ thể là vụ trộm xảy ra tại nhà bà Jane Alltemen, quốc tịch Canada, trú tại ngõ 31 Xuân Diệu, Quỳnh khai: Quỳnh đã lẻn vào nhà bà Jane từ chiều, chui xuống tầng hầm trốn, chờ đến đêm khi chủ nhà ngủ say thì lên các tầng "chôm" tài sản. Sau đó, hắn dùng chìa khóa nhà mở cửa ra đường chính.

Một ngày đầu tháng 11/2010, ông Pascal Rass, quốc tịch Thụy Sĩ, trú tại phố Đặng Thai Mai, Quảng An, Tây Hồ đã đến Công an phường Quảng An trình báo, trong lúc gia đình ông đi vắng, kẻ gian đã đột nhập lấy đi 1 máy tính xách tay hiệu Apple (trị giá 1.500 USD) và một cặp xách có sổ ghi chép cá nhân. Trước đó, vào lúc 3h ngày 27/10, kẻ gian lợi dụng sơ hở nhà anh Chu Văn Cường, trú tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ đi ngủ quên không cài cửa tầng 2, đã đột nhập trộm cắp túi xách trong có 104 triệu đồng; 2.000 USD và 2 điện thoại di động.

Theo Trung tá Đỗ Danh Chiến, Công an quận Tây Hồ thì hầu hết các vụ trộm đột nhập đêm, đối tượng gây án đều đã "tìm hiểu" địa bàn rất kỹ từ trước. Chúng thường sử dụng các phương tiện như xe ôm, taxi… đi lại lòng vòng quanh khu vực gây án để quan sát hòng đánh lạc hướng, tránh sự để ý của người dân. Chính vì thế, cần khuyến cáo người dân nếu phát hiện thấy bất cứ đối tượng lạ mặt, có biểu hiện nghi vấn xuất hiện trên địa bàn cần báo tin ngay cho lực lượng Công an cơ sở, Cảnh sát 113, hoặc các tổ tuần tra nhân dân để có biện pháp theo dõi, kiểm tra nhằm phòng ngừa đối tượng gây án. Người dân nên lắp đặt các thiết bị báo động chống trộm vào hệ thống cửa ra vào, cửa sổ, cửa tum để phòng ngừa tội phạm.

Giống như nhiều loại tội phạm khác, tội phạm trộm cắp hiện có xu hướng hoạt động liên tỉnh. Khi phát hiện sơ hở của một hộ gia đình nào đó, chúng sẽ liên lạc bằng điện thoại, quy tụ nhau lại cùng gây án. Sau khi xong việc, chúng sẽ lập tức "cao chạy xa bay" đi các tỉnh thành khác kiếm mồi khiến việc điều tra truy xét, bắt giữ đối tượng gây án khá khó khăn. Do vậy, theo đồng chí Chiến, để phòng chống trộm đột nhập, ngoài sự chủ động của người dân, công tác tuần tra mật phục của lực lượng Công an tại địa bàn là hết sức quan trọng, để các đối tượng không có cơ hội gây án.