Bất lực nhìn xe máy ngược chiều
Theo thống kê của Sở GTVT, với khoảng 7,9 triệu, Hà Nội có khoảng 7,6 triệu phương tiện bao gồm cả ô tô, xe máy, xe đạp điện đăng ký lưu thông. Trong khi đó Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội chỉ có khoảng hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ.
Với tương quan lực lượng như vậy, đòi hỏi CSGT phải xử lý vi phạm trên đường một cách triệt để, có hiệu quả cao là rất khó. Tuy nhiên, để tình trạng vi phạm luật giao thông xuất hiện phổ biến khắp nơi, ngày càng nhiều hơn là vấn đề rất đáng suy ngẫm.
Vi phạm giao thông thường thấy nhất là nhóm người điều khiển xe mô tô, xe máy. Từ đường lớn đến ngõ nhỏ, bất kể giờ cao điểm hay thấp điểm, hàng triệu chiếc xe máy lưu thông bát nháo, sẵn sàng đi ngược chiều, lấn làn, vượt đèn đỏ, ngay cả trước mắt CSGT. Đó không còn là hiện tượng đơn lẻ mà đã trở thành thói quen của bộ phận rất lớn người sử dụng loại phương tiện này.
Dường như phần đông người điều khiển xe máy đã tự cho mình quyền đứng ngoài luật lệ. Những hình ảnh gây bức xúc như đi ngược chiều thành đoàn, nối đuôi nhau rẽ nơi cấm rẽ ngay trước mắt lực lượng chức năng xuất hiện ngày này sang tháng khác thành lệ khiến những người tham gia giao thông đúng luật rất bức xúc.
Không chỉ xe máy, xe đạp cũng đã trở thành vấn nạn với Hà Nội. Thời gian qua, mỗi ngày lại có rất nhiều tốp xe đạp nối nhau đi vào Đại lộ Võ Nguyên Giáp. Trông thấy CSGT, cả đoàn sẵn sàng tông thẳng hoặc quay đầu bê xe qua dải phân cách né tránh, rồi lại… đi tiếp. Cứ mỗi khi dư luận bức xúc về hiện tượng này, CSGT Hà Nội lại tổ chức ra quân xử phạt, nhưng được ít ngày tình trạng trên lại tái diễn.
Một câu hỏi rất đáng suy ngẫm đặt ra cho lực lượng CSGT Hà Nội là: Vì sao người dân nhờn luật? Liệu có phải một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến người tham gia giao thông ngày càng tùy tiện, bất chấp luật pháp là sự bất lực của CSGT? Hình ảnh những chiến sĩ CSGT buộc phải quay đi, hay bó tay đứng nhìn hàng đoàn xe máy vi phạm ngay trước mắt đã tác động rất lớn đến ý thức của người dân, nguy hiểm hơn là tình trạng nhờn luật ở một số người, nhất là giới trẻ.
Nhiều người dân thắc mắc, vì sao CSGT không huy động lực lượng lớn ra đường cao tốc, mỗi chiến dịch xử phạt, tịch thu cho bằng hết xe đạp đi vào cao tốc. Chỉ một vài lần như vậy, có thể sẽ sạch bóng những “người đua với tử thần”.
Hay với hàng triệu chiếc xe máy cố tình lấn làn, đi ngược chiều hàng ngày, mức phạt tiền và tước bằng lái vẫn chưa đủ răn đe, vậy vì sao CSGT không đề xuất cho tịch thu phương tiện và thực hiện nghiêm minh? Chắc chắn việc thu giữ xe máy sẽ khiến người vi phạm phải chùn bước, hình ảnh những chiến sĩ CSGT bất lực nhìn từng đoàn xe vi phạm trên đường phố sẽ không còn.
Loay hoay với vi phạm trên cao tốc
Ô tô đang trở thành phương tiện phổ biến hơn với người dân Hà Nội cũng như cả nước. Số lượng ô tô của Hà Nội hiện đã lên đến hơn 1,4 triệu chiếc. Cùng với đó vi phạm giao thông của người điều khiển loại hình phương tiện “đắt tiền” này cũng ngày càng nhiều hơn, ngang nhiên hơn.
Những vi phạm thường thấy nhất là lao vào làn khẩn cấp trên cao tốc Vành đai 3 để vượt phải; dàn hàng chiếm làn của xe máy, dừng đỗ tùy tiện. Đặc biệt xe taxi, xe hợp đồng, xe khách liên tỉnh chạy kiểu rùa bò, lập bến “cóc”, chèn ép phương tiện khác khi lưu thông đã trở thành vấn đề nhức nhối nhiều năm qua của Thủ đô.
Vi phạm đi vào làn khẩn cấp, lấn làn, gây ùn tắc, tai nạn giao thông, nhất là tuyến Vành đai 3 - cầu Thanh Trì đã khiến bức xúc trong Nhân dân lên đến đỉnh điểm. Cục CSGT và Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã phải cử lực lượng tuần tra liên tục hai chiều bằng xe mô tô trên tuyến này từ ngày 20/9.
Nguyên nhân đầu tiên là ý thức của nhiều người điều khiển ô tô quá kém, coi thường luật lệ, tham gia giao thông kiểu ích kỷ, gây ùn tắc, mất trật tự, ATGT. Nhưng bên cạnh đó cũng cần nhìn nhận rõ, điều đó cho thấy công tác giữ gìn nền nếp giao thông trên các tuyến đường lớn, cao tốc của CSGT Hà Nội chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Phải chăng chính tình trạng xe khách liên tỉnh rùa bò, xe taxi dừng đỗ bừa bãi, đi lấn làn vượt ẩu kéo dài hàng chục năm qua đã lây lan căn bệnh “phạm luật” sang bộ phận không nhỏ người điều khiển ô tô? Nếu chú ý quan sát có thể thấy, trên tuyến Vành đai 3, những chiếc xe lao vun vút trong làn đường khẩn cấp, phần nhiều là xe tải, xe khách, taxi… rồi mới đến xe cá nhân nối đuôi theo.
Những chiếc xe kinh doanh vận tải đều phải đăng ký với cơ quan chức năng, là một trong những đối tượng dễ tìm kiếm và xử phạt nhất, có nhiều chế tài ràng buộc nhất. Vậy vì sao nhóm phương tiện này vẫn vô tư phạm luật hàng ngày, tạo nên trào lưu lấn làn khẩn cấp, dừng đỗ tùy tiện trên đường cao tốc?
Trước đây, xe khách “rùa bò”, dừng đỗ tùy tiện chỉ xuất hiện từ đoạn cổng Bến xe Mỹ Đình đến đầu đường Phạm Văn Đồng. Nay xe khách lập cả bến “cóc” tại lối lên xuống đường Vành đai 3 trên cao, kèm theo đó hàng đoàn taxi, xe ôm ăn theo đón trả khách.
Hành vi đi vào làn khẩn cấp, vượt phải, lấn làn gây ùn tắc, tai nạn giao thông của ô tô trên tuyến Vành đai 3 - cầu Thanh Trì cũng như nhiều tuyến đường khác của Hà Nội là rất đáng lên án. Đồng thời nó cũng cho thấy nhiều vấn đề tồn tại trong xử lý vi phạm giao thông của lực lượng CSGT Hà Nội.
Đã đến lúc Bộ Công an, UBND TP Hà Nội cùng các cơ quan chức năng cần xem xét lại những vấn đề mà CSGT Thủ đô đang phải đối diện; làm rõ ưu, nhược điểm của lực lượng này, có kế hoạch hành động cụ thể, hiệu quả hơn, hỗ trợ về mọi mặt để CSGT hoàn thành tốt nhiệm vụ.