Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cạnh tranh lãi suất cho vay

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vay lãi suất thấp, gửi lãi suất cao "ăn" chênh lệch, cạnh tranh lãi suất cho vay dẫn đến lo ngại phải hạ chuẩn tín dụng… - đó là những cảnh báo đã được các lãnh đạo ngân hàng đưa ra trong cuộc đua giảm lãi suất cho vay đang rầm rộ hiện nay.

Vay lãi thấp, gửi lãi cao

Dư vốn, ngân hàng tìm mọi cách đẩy tín dụng ra nền kinh tế. Một cuộc cạnh tranh mới về lãi suất cho vay đang xuất hiện. Nhiều ngân hàng ồ ạt cho vay tiêu dùng trở lại. 

Cụ thể, từ tháng 6/2013, TienPhong Bank triển khai sản phẩm "Vay tiêu dùng siêu nhanh cầm cố ô tô". Khách hàng có nhu cầu vay tiền mặt đột xuất chỉ mất 1 giờ để làm thủ tục vay tiền tại TienPhong Bank với lãi suất ưu đãi theo biểu lãi suất cho vay tiêu dùng. Số tiền vay lên tới 2 tỷ đồng và tối đa 60% giá trị xe. Từ ngày 1/6 - 31/8, Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho vay lãi suất ưu đãi 8,99%/năm trong 3 tháng đầu.

Cạnh tranh lãi suất cho vay - Ảnh 1
Giao dịch tại một chi nhánh của Sacombank Hà Nội.Ảnh: Tú Chi
Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết, tăng trưởng tín dụng là mục tiêu quan trọng của ngân hàng trong 6 tháng cuối năm. Trước đây, DN kêu lãi suất cao, khó tiếp cận. Đến nay, lãi suất đã hạ nhưng DN có tiếp cận được vốn hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Bởi vậy, các ngân hàng mạnh tay cạnh tranh lãi suất cho vay đang tiềm ẩn không ít rủi ro.

Bà Phan Thị Chinh - Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, có tình trạng các ngân hàng thi nhau đưa tiền vào một nhóm DN tốt. Hôm nay, ngân hàng này thông báo lãi suất cho vay 8%, hôm sau, hôm sau nữa, ngân hàng kia sẽ hạ lãi về 7%, 6%. Điều này dẫn đến thực tế, có DN đang kiếm lời từ việc giảm lãi suất cho vay. "Có DN lập kế hoạch lợi nhuận 6 tháng đầu năm chỉ 80 - 100 tỷ đồng, nhưng kết thúc 6 tháng, họ lãi hơn 200 tỷ đồng. Trong số đó, 120 tỷ đồng là từ đầu tư tài chính. Cụ thể, đó là lãi do được vay vốn với lãi suất thấp, sau đó gửi ngân hàng hưởng lãi suất cao" - bà Phan Thị Chinh cho biết.

Trong số các ngân hàng phá giá lãi suất cho vay 6%/năm, có cả các ngân hàng nước ngoài. Câu hỏi đặt ra là, tại sao các ngân hàng này dư dả tiền đồng để cho vay lãi suất thấp, trong khi huy động lại không nhiều so với ngân hàng nội. Phải chăng, các ngân hàng nước ngoài đang lợi dụng chênh lệch lãi suất cho vay VND và ngoại tệ, hoán đổi sang nội tệ để hưởng lãi suất cao? Nếu điều này là có thực, thì rủi ro sẽ rất lớn với hệ thống ngân hàng, đe dọa cả tỷ giá.

Lo chất lượng tín dụng

Tín dụng hiện vẫn là "nguồn thu" chính tạo ra lợi nhuận của các ngân hàng. Tuy nhiên, ngành ngân hàng lại đang đứng trước tình thế thừa vốn, muốn cho vay nhưng chưa biết đẩy vốn vào đâu? Theo ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank, có đến 70 - 80% DN không đáp ứng điều kiện cho vay. Sức mua hiện vẫn yếu. Vì vậy, nếu muốn đẩy vốn ra, buộc lòng các ngân hàng phải hạ chuẩn tín dụng. 

Cũng có thực tế, một số ngân hàng do không thể tăng trưởng tín dụng đã đưa ra một số chính sách nguy hiểm như mua lại nợ của mình. Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Đây là mầm mống của rủi ro và mầm mống này có thể xảy ra sau vài năm nữa, như bài học đã từng xảy ra năm 2009. Các ngân hàng không biết đầu tư vào đâu nên đã dồn vào trái phiếu Chính phủ. Điều này cảnh báo về một chu kỳ mới nếu sự nới lỏng tiền tệ và tín dụng quá mức lạm phát có thể sẽ quay trở lại. 

Phía NHNN khẳng định, cơ quan này giữ quan điểm chỉ đạo mở rộng tín dụng nhưng không có chỉ đạo nào nói rằng, phải hạ chuẩn tín dụng. "Chúng ta đã quá khổ mấy năm vừa qua về chất lượng tín dụng rồi. Tín dụng tăng nhanh, chất lượng giảm sút, hậu quả là nợ xấu và hàng loạt các nguy cơ" - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, tại một số chi nhánh, giám đốc sắp nghỉ hưu thì điều kiện tín dụng rất dễ. Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN khẳng định, hoàn toàn không có chuyện này, về hưu mà chất lượng món vay có vấn đề vẫn phải đi làm để thu hồi nợ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng: Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp đóng băng

Thời gian qua, Quỹ Bảo lãnh tín dụng Hà Nội gần như đóng băng, không hoạt động. Vì theo quy định, DN phải có tài sản thế chấp cộng thêm trả phí bảo lãnh mới được Quỹ bảo lãnh. Mà có tài sản thế chấp thì họ đến thẳng ngân hàng vay, không cần đến Quỹ cho mất thêm phí. Bởi vậy, hiện, Quỹ này có vốn nhưng không dùng được đồng nào. Chúng tôi đề xuất Chính phủ có những sửa đổi về điều kiện bảo lãnh để DN tiếp cận vốn tốt hơn.