Cao tốc 2 làn xe chỉ có dải phân cách mềm?

Huyền Sâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều tuyến đường cao tốc phân kỳ đầu tư hiện nay chỉ có hai làn xe và không có dải phân cách cứng. Có ý kiến thắc mắc như vậy có đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn cao tốc hay không?

Nguyên nhân do đâu?

Nhiều tuyến cao tốc như Nội Bài - Lào Cai, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới đều chỉ có hai làn xe. Câu hỏi đặt ra là vì sao dải phân cách cứng không được lắp đặt?

Thực tế, quy mô đầu tư cao tốc phụ thuộc lớn vào nguồn lực được bố trí. Thời điểm quyết định đầu tư, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn được bố trí 7.900 tỷ đồng. Với số vốn này, Nghị quyết 52 của Quốc hội xác định, tuyến đường sẽ đầu tư phân kỳ quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m.

Cũng theo tiêu chuẩn phân kỳ đầu tư, đường cao tốc 2 làn xe có dải phân cách cứng phải có nền đường rộng 13,5m. Nếu mở rộng quy mô nền đường, tổng mức đầu tư sẽ lớn hơn rất nhiều số vốn được cân đối trước đó. Giải pháp được đưa ra là hình thành vạch kẻ liền phân tách làn đường, phương tiện chỉ được vượt ở những vị trí cho phép.

Hơn nữa, thời điểm nghiên cứu dự án Cam Lộ - La Sơn, dự án La Sơn - Túy Loan nối tiếp cũng được xác định đầu tư 2 làn nên được đánh giá là phù hợp và đồng bộ. Tiêu chuẩn 4054:2005 - tiêu chuẩn gốc về thiết kế đường ô tô quy định: Đường có từ 4 làn xe trở lên mới được làm dải phân cách cứng chia hai chiều xe chạy.

Tiêu chuẩn 4054:2005 về thiết kế đường ô tô không quy định cao tốc 2 làn xe phải có dải phân cách cứng. 
Tiêu chuẩn 4054:2005 về thiết kế đường ô tô không quy định cao tốc 2 làn xe phải có dải phân cách cứng. 

Nói về vấn đề vì sao không đặt dải phân cách cứng tại cao tốc có 2 làn xe, ông Lê Hồng Điệp - Trưởng phòng Quản lý bảo trì kết cấu HTGT, Cục ĐBVN cho hay: để đặt được dải phân cách cứng phải cần tối thiểu 1,5m ở giữa đường.

Theo Tiêu chuẩn thiết kế, làn đường hiện có chiều rộng là 3,4m tương ứng với tốc độ tối đa cho phép 80km/giờ. Nếu cắt đi để làm dải phân cách cứng sẽ thu hẹp lại, không đảm bảo cho xe chạy. Khi không may xảy ra sự cố tai nạn, dòng xe ùn ứ kéo dài, xe cấp cứu hay lực lượng chức năng khó tiếp cận hiện trường.

Về đề xuất lắp dải phân cách bằng cọc tiêu mềm phân chia làn ở cao tốc 2 làn xe (mỗi bên 1 làn) Cục ĐBVN cũng tính toán đến giải pháp này, tuy nhiên, giá thành thiết bị rất đắt.

Thêm nữa, tuyến cao tốc này sắp được đầu tư mở rộng nên trước mắt Cục ĐBVN đã chỉ đạo tổng rà soát, điều chỉnh, bổ sung thêm các biện pháp nhằm đảm bảo ATGT như chuyển một số đoạn từ sơn nét liền sang nét đứt ở những vị trí đường thẳng, tầm nhìn thông thoáng, mở rộng phạm vi cho phương tiện vượt nhau. 

Tại các điểm cần thiết sẽ bổ sung đinh phản quang, tiêu dẫn hướng, bổ sung biển báo để người lái xe phân biệt khoảng cách an toàn giữa các làn xe. 

Mất ATGT, vì sao nên nỗi?

Nước ta hiện có 5 cao tốc phân kì đầu tư 2 làn xe không có dải phân cách cứng. Theo Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, cả trước mắt lẫn lâu dài, để tránh các hệ luỵ về mất ATGT, cần tính toán tốc độ phù hợp đối với tuyến đường không có dải phân cách cứng; tránh tình trạng cao tốc có đoạn không phải cao tốc; tài xế phải có hiểu biết đầy đủ quy định lưu thông trên đường cao tốc để không vượt ẩu, vi phạm tốc độ; nếu tăng cường phạt nguội, chắc chắn sẽ góp phần giảm TNGT.

Từ vụ tai nạn làm 3 người chết ngày 18/2 vừa qua trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn cho thấy, tài xế xe ô tô 7 chỗ không làm chủ được tốc độ, không chú ý quan sát biển báo và không giữ khoảng cách an toàn. Tại vị trí xảy ra vụ TNGT tốc độ cho phép tối đa là 60km/h, nếu tài xế xe 7 chỗ đi đúng tốc độ cho phép, tai nạn chắc không xảy ra. 

Hiện trường vụ tai nạn làm 3 người tử vong trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. 
Hiện trường vụ tai nạn làm 3 người tử vong trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. 

Phải nói thêm rằng, so với cao tốc Nội Bài – Lào Cai cũng có đoạn hai làn xe, đoạn thu hẹp làn đường trên tuyến Cam Lộ - La Sơn khá nhanh, nên điều chỉnh đoạn này dài hơn để thuận lợi khi vượt. 

Việc thiết kế các dấu hiệu để cảnh báo sớm để nhập làn cần phù hợp hơn, nên bố trí trên một đoạn dài trước khi nhập làn. Thiết kế hiện tại chỉ có 1 mũi tên rẽ trái ở ngay đầu đoạn vuốt nối nhập làn khó nhận diện khi đi với tốc độ nhanh. Đoạn vuốt nối nhập làn hiện tại nên được thiết kế dài hơn bởi lưu lượng xe trên đoạn này khá lớn, tài xế cần thêm thời gian xử lý nhập làn.

Cục ĐBVN cũng vừa kiến nghị Bộ GTVT một số giải pháp nâng cao an toàn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Đề nghị điều chỉnh vạch sơn phân làn giữa lề gia cố với làn đường xe chạy, từ nét liền thành nét đứt, cho phép phương tiện đi vào lề gia cố khi cần tránh vượt, tăng hiệu quả lưu thông.