Cao tốc Bắc – Nam giúp nâng tầm hạ tầng giao thông miền Trung

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/9, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Bộ trường Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cùng nhiều đại biểu là lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo 3 tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa và các bộ, ngành, địa phương đã đến dự hội nghị.

Các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đã thông xe đưa vào khai thác gồm 4 dự án thành phần, có chiều dài 171,85km, TMĐT 27.353 tỷ đồng, đi qua địa phận 4 tỉnh (Nam Định 5,1km, Ninh Bình 24,4km, Thanh Hóa 98,8km, Nghệ An 43,5km).

Trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2km, tổng mức đầu tư 1.607,4 tỷ đồng do Sở GTVT Ninh Bình làm chủ đầu tư; đoạn Mai Sơn - QL45 dài 63,37km, tổng mức đầu tư 12.918 tỷ đồng do Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư; đoạn QL45 - Nghi Sơn dài 43,28km, tổng mức đầu tư 5.534,5 tỷ đồng do Ban QLDA2 làm chủ đầu tư và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km, tổng mức đầu tư 7.293,2 tỷ đồng do Ban QLDA6 làm chủ đầu tư.

Lãnh đạo Bộ GTVT và tỉnh Thanh Hóa chủ trì hội nghị.
Lãnh đạo Bộ GTVT và tỉnh Thanh Hóa chủ trì hội nghị.

Đến nay cả 4 đoạn đều đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đưa vào khai thác tháng 2/2022; đoạn Mai Sơn – QL45 đưa vào khai thác tháng 4/2023 và 2 đoạn QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu đưa vào khai thác từ ngày 1/9/2023.

Bộ GTVT cho biết, trong quá trình thực hiện đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng lớn đến tiến độ Dự án như: đại dịch Covid-19, khó khăn về vật liệu, biến động giá nguyên, nhiên vật liệu, thời tiết diễn biến bất thường, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ,…

Tuy nhiên, nhờ được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT cùng với sự phối hợp có hiệu quả của những bộ, ngành liên quan; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân khu vực dự án; sự phối hợp kịp thời của các chủ công trình hạ tầng kỹ thuật nên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban để trực tiếp chỉ đạo, điều hành, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến các bộ, ngành, địa phương.

 

Bộ GTVT và các địa phương đang tích cực triển khai xây dựng các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến vành đai vùng Thủ đô, TP Hồ Chí Minh và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long để phấn đấu đến cuối năm 2025 có 3.000km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 có 5.000km đường bộ cao tốc theo đúng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Đồng thời, các địa phương cũng đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, cố gắng, quyết liệt, đồng hành cùng với Bộ GTVT thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực đẩy nhanh công tác GPMB.

Bên cạnh đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT,  sự quyết tâm, cố gắng của các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế đã không quản ngại khó khăn, đề xuất các giải pháp kỹ thuật phù hợp điều kiện thực tế hiện trường, với tinh thần “hăng say lao động”, “vượt nắng, thắng mưa”, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, thi công xuyên Lễ, xuyên Tết trên công trường và sự ủng hộ tích cực của nhân dân khu vực.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa đưa vào khai thác đã nâng tầm hạ tầng giao thông miền Trung.
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa đưa vào khai thác đã nâng tầm hạ tầng giao thông miền Trung.

Nhờ đó, dự án đã kịp thời hoàn thành các hạng mục là đường găng của dự án như: công trình hầm, cầu lớn, xử lý nền đất yếu... góp phần quan trọng đưa dự án vào khai thác đúng theo kế hoạch.

Đến nay, đoạn đường bộ cao tốc từ Ninh Bình đến Nghệ An đã hoàn thành đáp ứng tiến độ, chất lượng theo đúng yêu cầu kỹ thuật, nâng tổng chiều dài tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác trên cả nước lên 1.822km.

Việc hoàn thành cao tốc đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Nghệ An (Diễn Châu) chỉ còn khoảng 3 – 3,5 giờ, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa các tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Đồng thời, sự “hòa mạng” của 4 đoạn cao tốc trên cũng giúp giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trên tuyến QL1; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và hình thành, phát triển các khu công nghiệp, trung tâm văn hoá, du lịch của các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ.

 

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ giành thời gian kiểm tra thực tế hiện trường, kịp thời chỉ đạo và động viên, khích lệ, tạo khí thế thi đua sôi nổi, tích cực, quyết tâm, nỗ lực của các cán bộ, kỹ sư, người lao động trên các công trường. Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan tham mưu của bộ đã thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc, chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm tiến độ, kịp thời chỉ đạo các Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình theo yêu cầu; đặc biệt là phối hợp với Lãnh đạo UBND các tỉnh kiểm điểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, nguồn vật liệu – Bộ Giao thông Vận tải