Cơ bản hoàn thành khảo sát địa hình, địa chất 12 dự án thành phần
Đầu tháng 1/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2). Dự án có tổng chiều dài khoảng 729km, gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công.
Tổng mức đầu tư của dự án lên tới 146.990 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 119.666 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 bố trí 27.324 tỷ đồng. Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2021, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Từ đó đến nay, hơn 3 tháng trôi qua, nhưng khối lượng công việc khổng lồ đã được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các địa phương có đường cao tốc đi qua hoàn thành. Tất cả đều hướng đến mục tiêu khởi công xây dựng dự án trong thời gian sớm nhất.
Đi đầu trong công tác triển khai dự án trong thời gian qua chính là Bộ GTVT. Thống kê sơ bộ cho thấy, từ đầu tháng 2/2022 đến nay, Bộ đã thực hiện tới hơn 30 chuyến khảo sát, làm việc với lãnh đạo địa phương về dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Tất cả chuyến công tác này đều do lãnh đạo Bộ GTVT đích thân thực hiện.
Đặc biệt, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 18 triển khai Nghị quyết 44/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án, các mốc bàn giao hồ sơ thiết kế cọc GPMB đã được Bộ GTVT yêu cầu hoàn thành trong 3 đợt: Trước ngày 15/3, trước ngày 30/4. Riêng những đoạn phức tạp phải hoàn thành trước ngày 30/6/2022.
Nhờ sự quyết liệt của Bộ GTVT và các đơn vị liên quan, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã chấp thuận hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB 215km, các Ban QLDA đã phê duyệt bàn giao cho địa phương hồ sơ cắm cọc hơn 170km. Công tác khảo sát địa hình, địa chất của 12 dự án thành phần thuộc “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã cơ bản hoàn thành, giảm một nửa thời gian so với một dự án có quy mô tương tự triển khai theo quy trình thông thường. Dự kiến, việc lựa chọn nhà thầu xây lắp được hoàn thành trước ngày 20/11, khởi công dự án trong tháng 12/2022.
Bài toán thiếu vật liệu sắp có lời giải
Trong khi công tác triển khai giai đoạn 2 của dự án đang được thần tốc thực hiện, những dự án thành phần thuộc giai đoạn 1 của cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng đang chạy đua với thời gian để nhanh chóng về đích đúng hạn.
Thống kê mới nhất của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho thấy, đến nay, lũy kế sản lượng thi công 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang triển khai đạt hơn 19.400 tỷ đồng, tương đương 34,3% giá trị hợp đồng. Tiến độ thực hiện các dự án thành phần cơ bản đáp ứng kế hoạch.
Trong số này có 3 dự án thành phần đang thi công bị chậm tiến độ là dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết và dự án Phan Thiết - Dầu Giây, nguyên nhân chủ yếu do thiếu vật liệu. Đây cũng chính là khó khăn chung của nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong thời gian qua.
Tuy nhiên, bài toán thiếu vật liệu sẽ được giải ngay trong tháng 4/2022. Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, tổng nhu cầu về vật liệu đất đắp đường phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 khoảng 72 triệu m3.
Trong đó, khối lượng vật liệu đất được tận dụng (điều phối) từ nền đào khoảng 18,5 triệu m3, tổng khối lượng vật liệu đất đắp nền đường có nhu cầu lấy từ các mỏ đất (khối lượng sau điều phối) khoảng 53,5 triệu m3. Tính toán cho thấy, hiện khối lượng đất đắp còn thiếu của giai đoạn 1 cao tốc Bắc - Nam phía Đông là khoảng 4,7 triệu m3.
Trong đó, đoạn tuyến Mai Sơn - QL45 thiếu 0,7 triệu m3; đoạn tuyến Nha Trang - Cam Lâm thiếu 0,8 triệu m3; đoạn tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo còn thiếu khoảng 2,3 triệu m3; đoạn tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết còn thiếu 0,9 triệu m3.
Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, để giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu vật liệu nền cho giai đoạn 1 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT đang đốc thúc các Ban QLDA, nhà đầu tư/DN dự án phối hợp với các địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục cấp phép, nâng công suất khai thác và các điều kiện cần thiết để khai thác khối lượng vật liệu đất đắp nền còn thiếu hụt trong tháng 4/2022.
Như vậy, nhiều khả năng bài toán thiếu vật liệu của dự án sẽ có lời giải ngay trong thời gian ngắn. Đây sẽ là tiền đề vô cùng quan trọng để các dự án thành phần đẩy nhanh tiến độ thi công, về đích đúng thời hạn đề ra.
Mới đây nhất, ngày 16/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã kiểm tra thực địa tuyến Dự án cao tốc Mai Sơn - QL45, thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 và chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ 4 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
Tại đây, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải kiên quyết hoàn thành 361km cao tốc trong năm 2022. Mục tiêu này đã được đưa vào nghị quyết của Chính phủ, được các nhà thầu, đơn vị thi công cam kết, không thể thất hứa với nhân dân. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả đơn vị thực hiện dự án phải tạo không khí thi đua sôi nổi, thiết thực, đưa các dự án về đích đúng hẹn.
Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông phải rà lại chi tiết từng dự án xem thời điểm hiện tại thực trạng thi công được bao nhiêu km được cấp phối đá dăm, thảm nhựa… Giám đốc các Ban QLDA phải nắm bắt thực trạng, tính toán xem số tháng ít ỏi còn lại phải xử lý thế nào với các gói thầu chậm tiến độ.