Cao tốc Bắc – Nam qua Phú Yên vẫn ngổn ngang

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác giải phỏng mặt bằng (GPMB) chậm, giá vật liệu cao hơn các tỉnh lân cận, hồ sơ thủ tục khai thác mỏ gặp khó… là những vướng mắc điển hình đang cản trở tiến độ triển khai các dự án cao tốc Bắc – Nam qua Phú Yên.

Cao tốc Bắc - Nam qua Phú Yên cũng như hầu hết các dự án giao thông khác đều gặp vướng mắc do chậm GPMB.
Cao tốc Bắc - Nam qua Phú Yên cũng như hầu hết các dự án giao thông khác đều gặp vướng mắc do chậm GPMB.

Ngổn ngang vướng mắc

UBND tỉnh Phú Yên vừa tổ chức cuộc họp về các nội dung liên quan đến Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa phận Phú Yên. Trong cuộc họp này, lãnh đạo địa phương đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và yêu cầu giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án giao thông trọng điểm qua địa bàn.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Sở GTVT tỉnh Phú Yên cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các địa phương trong vùng dự án đã bàn giao mặt bằng 73,54/90,12km cho chủ đầu tư, đạt 81,6%.

Hiện nay, các nhà thầu đang triển khai 7 mũi thi công đường công vụ, thi công nền đường, bãi đúc dầm cầu tại Dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh; Dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong cũng đang được triển khai với 16 mũi thi công nền đường, cầu và 2 nút giao thông.

 

UBND tỉnh Phú Yên đề nghị chủ đầu tư chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và đơn vị thi công xử lý các vướng mắc phần mặt bằng đã bàn giao để triển khai theo đúng tiến độ dự án; trong đó tập trung ưu tiên các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi đã bàn giao mặt bằng.

Về tình hình các mỏ khoáng sản làm vật liệu phục vụ dự án, đại diện UBND tỉnh Phú Yên cho biết, có 41 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho chủ đầu tư và 56 vị trí bãi thải vật liệu với diện tích khoảng 386ha. Trong tổng số 41 mỏ khoáng sản thì 28 mỏ quy hoạch và 13 mỏ đang khai thác. Trong số 28 mỏ quy hoạch thì có 12 mỏ cát, 10 mỏ đất, 6 mỏ đá. Còn lại, 13 mỏ đang khai thác gồm 6 mỏ cát, 2 mỏ đất và 5 mỏ đá.

Về di dời hạ tầng kỹ thuật, đại diện UBND tỉnh Phú Yên cho hay, hiện các địa phương đang hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế theo ý kiến thẩm tra thẩm định; dự kiến trong tháng 3 sẽ tổ chức phê duyệt thiết kế và thi công di dời; riêng huyện Tây Hòa đã hoàn thành di dời đường dây 22kV và 0,4kV.

Đại diện UBND tỉnh Phú Yên đánh giá, dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa phương hiện còn gặp nhiều vướng mắc trong công tác GPMB và gặp khó khăn trong triển khai xây dựng khu tái định cư. Trong đó, nguyên nhân chính gây ra vướng mắc GPMB là do nguồn gốc đất, chồng lấn địa giới hành chính giữa thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai dự án cũng gặp khó khăn trong thực hiện hồ sơ thủ tục khai thác khoáng sản; công tác đền bù GPMB mỏ vật liệu và bãi thải; công suất, trữ lượng mỏ vật liệu xây dựng hiện tại rất nhỏ so với nhu cầu của dự án; giá vật liệu xây dựng cao hơn các tỉnh lân cận…

Giá vật liệu ở tỉnh Phú Yên cao bất thường so với các tỉnh lân cận.
Giá vật liệu ở tỉnh Phú Yên cao bất thường so với các tỉnh lân cận.

Giá vật liệu cao bất thường

Một trong những vấn đề nổi cộm nhất tại các dự án cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh Phú Yên chính là giá vật liệu tại địa phương này đang ở mức quá cao so với các tỉnh lân cận. Vấn đề này đã được nêu ra trong cuộc họp giữa Bộ GTVT và lãnh đạo tỉnh Phú Yên mới đây.

Ông Lê Quyết Tiến - quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT cho biết, qua rà soát, so sánh cho thấy giá một số vật liệu ở Phú Yên có sự chênh lệch lớn so với tỉnh Bình Định lân cận. Chẳng hạn, đá 1 cmx2 cm ở Phú Yên có giá công bố 459.000 đồng/m3, trong khi ở Bình Định chỉ 243.000 đồng/m3.

Hay cấp phối đá dăm Phú Yên công bố 299.000 đồng/m3, ở Bình Định chỉ 127.000 đồng/m3. Tương tự, giá cát ở Phú Yên 190.000 đồng/m3, trong khi ở Bình Định chỉ 95.000 đồng/m3. Giá đất Bình Định công bố chỉ 30.000 đồng/m3, trong khi Phú Yên đến 120.000 đồng/m3.

Đại diện chủ đầu tư và nhà thầu dự án cũng khẳng định, giá bán tại các mỏ vật liệu xây dựng thông thường ở Phú Yên cao gấp 2- 3 lần so với giá dự toán độc lập. Đơn cử như giá cát theo dự toán 255.000 đồng/m3 (tính cả phí vận chuyển). Tuy nhiên, giá cát thực tế ở Phú Yên lên đến 345.000 đồng/m3.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng bày tỏ bức xúc trước phản ánh của ban quản lý dự án, các nhà thầu đồng thời đề nghị UBND tỉnh Phú Yên và các cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc làm rõ vì sao Sở Xây dựng Phú Yên công bố giá vật liệu xây dựng cao hơn rất nhiều so với các địa phương lân cận, giá bán thực tế bên ngoài cao hơn giá niêm yết.

Ngay sau buổi làm việc với Bộ GTVT, UBND tỉnh Phú Yên đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra trách nhiệm công tác tham mưu quản lý Nhà nước đối với các mỏ vật liệu xây dựng thông thường; việc lập, đăng ký giá, thẩm định, công bố giá vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Được biết, đoàn thanh tra do đích thân Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ làm trưởng đoàn. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2022 đến nay. Hiện, chủ đầu tư, các nhà thầu và dư luận đang chờ đợi kết quả làm việc của đoàn thanh tra này.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, giá vật liệu xây dựng thông thường ở Phú Yên cao như vậy là rất khó hiểu do tỉnh còn khó khăn, công trình xây dựng chưa nhiều.

 

Để giải quyết những vướng mắc tại các dự án cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ gPMB phần diện tích còn lại; tập trung bố trí nhân lực thực hiện hoàn thiện thủ tục chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đối với công tác tái định cư, các địa phương cần khẩn trương xây dựng 9/12 khu tái định cư còn lại để tổ chức tái định cư cho các hộ dân bàn giao mặt bằng theo tiến độ nêu tại Nghị quyết 18 của Chính phủ. Đối với những vướng mắc, khó khăn về vật liệu phục vụ dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên cần hướng dẫn các đơn vị liên quan nâng công suất các mỏ đang khai thác để đáp ứng nhu cầu của dự án.