Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu chuẩn bị khởi công vào tháng 6

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, hiện tỉnh đã bàn giao 91,3% mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1, dự kiến khởi công dự án vào ngày 25/6.

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được đề xuất với tổng mức đầu tư sơ bộ gần 5.900 tỷ đồng.
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được đề xuất với tổng mức đầu tư sơ bộ gần 5.900 tỷ đồng.

Ngày 10/5, Ban Chỉ đạo triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị lần thứ 12 để nắm tình hình và đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án.

Theo báo cáo, đến ngày 27/4, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (thành phần 1) đã có 511/533 hộ dân nhận tiền bồi thường, đạt tỷ lệ 95,9%, giá trị bồi thường hơn 478 tỷ đồng. Một số hộ dân chưa nhận tiền bồi thường do còn khiếu nại về giá bồi thường. Tuy nhiên, theo phương án bồi thường được duyệt, giá bồi thường dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được tính toán cao hơn nhiều so với những dự án trước đây.

Trung tâm Phát triển Quỹ đất phối hợp các đơn vị triển khai thi công di dời điện trung, hạ thế, cáp viễn thông và tuyến ống cấp nước; dự kiến đến cuối tháng 6 cơ bản hoàn thành công di dời hạ tầng kỹ thuật.

UBND huyện Cao Lãnh đang rà soát, báo cáo Hội đồng Thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư xem xét, thẩm định về thu hồi đất có diện tích nhỏ (đất bìa chéo), đất ven sông rạch theo đề nghị của người dân.

Phần mặt bằng (dự án thành phần 1) đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Giao thông tỉnh là 92,34 ha/101,14 ha, đạt tỷ lệ 91,3%. Về bố trí tái định cư, đã tổ chức bốc thăm 55 nền (48 hộ), còn lại 62 nền (53 hộ). Ban Quản lý dự án tiếp tục triển khai các gói thầu theo đúng tiến độ đã đề ra, dự kiến sẽ khởi công vào cuối tháng 6/2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa ghi nhận nỗ lực của các sở, ngành và huyện Cao Lãnh, Tháp Mười trong thực hiện Dự án; đồng thời, phải quyết tâm cao hơn nữa, xác định rõ mốc thời gian hoàn thành các phần việc trước ngày 15/6 để đảm bảo các điều kiện khởi công dự án.

Ông Phạm Thiện Nghĩa đề nghị công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến dự án cho người dân nắm theo quy định; hằng tuần phải có báo cáo, thông tin về dự án.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đề nghị tăng cường vận động, thuyết phục người dân đồng thuận theo chủ trương của tỉnh; cùng với đó giải quyết kịp thời các khiếu nại, kiến nghị của người dân; diện tích đã giải phóng mặt bằng phải bàn giao, quản lý chặt chẽ; khẩn trương di dời hạ tầng công trình kỹ thuật.

Đối với các gói thầu, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp yêu cầu tập trung thực hiện đúng tiến độ theo quy định để tiến hành lựa chọn đơn vị thi công. Tổ tuyên truyền của Ban Chỉ đạo và các cơ quan truyền thông tiếp tục cùng với địa phương tuyên truyền, vận động người dân thống nhất chủ trương thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, theo dõi nắm tình hình dư luận trong nhân dân. Phương án khởi công, các công tác chuẩn bị liên quan phải sớm hoàn thành để trình Ban Chỉ đạo.

Đối với Dự án thành phần 2 (Km16+000 - Km27+430), thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trung tâm Phát triển Quỹ đất đã phối hợp UBND xã thực hiện công bố với người dân về dự thảo Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Dự kiến diện tích thu hồi đất khoảng 28 ha, số hộ ảnh hưởng là 174 hộ (xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh là 97 hộ và xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười là 77 hộ). Nhà ở phải di dời là 40 căn. Giá trị phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 195 tỷ đồng.

 

Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 có chiều dài tuyến khoảng 27,43 km. Điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.886 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 3.486 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 2.399 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 2 dự án thành phần, bao gồm: Dự án thành phần 1 dài khoảng 16 km thuộc tỉnh Đồng Tháp, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng (trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 458 tỷ đồng).

Dự án thành phần 2 có chiều dài khoảng 11,43km thuộc tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 2.246 tỷ đồng (trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 398 tỷ đồng).