Dự án đang chậm tiến độ so với kế hoạch
Những ngày giữa tháng 9/2022, công trình thuộc gói thầu số 4, dài 16km (đi qua các huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, TP Long Khánh, Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai) do liên danh Tổng công ty Thăng Long và Tổng công ty Xây dựng cao tốc giao thông 6 đảm trách thi công vẫn còn ngổn ngang.
Ghi nhận thực tế của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, tại đoạn qua xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) dài khoảng 2km, cao tốc đi xuyên qua rừng cao su và đã xong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Tại đây, nhà thầu mới xây xong chiếc cầu bắc ngang một điểm thi công công trình cao tốc, nối lại thông thoáng đoạn đường từ xã UBND xã Sông Nhạn ra UBND huyện Cẩm Mỹ để người dân tiện qua lại.
Tuy nhiên, công trường thi công vắng lặng, chỉ có 2 xe ủi đang san gạt, máy xúc đất lên xe tải chở đất đá đổ ở hai ven đường. Số lao động không quá 10 người đang làm việc. Các hạng mục như mố trụ cầu, lèn đá nền đường vẫn “án binh bất động”.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT), về tình hình triển khai dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có 4 gói thầu (1 - XL, 2 - XL, 3 - XL, 4 - XL) khởi công tháng 9/2020, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 12/2022, nhưng đến nay, sản lượng thực hiện mới đạt hơn 55,7% giá trị hợp đồng.
Trong đó, hạng mục như đắp nền đường K95 hoàn thành 5,7/6,84 triệu m3, đắp nền đường K98 đạt 71,5/96km, móng gia cố xi măng hoàn thành 48,8/96km, lao dầm 66,6% khối lượng công việc, cơ bản hoàn thành 11/11 hầm chui dân sinh, 91% khối lượng mố, trụ trên toàn tuyến. Đặc biệt, một số nơi chưa xong công tác GPMB, trong khi đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành công tác GPMB trong tháng 4/2022.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, hiện nay 4 gói thầu xây lắp của dự án đang chậm tiến độ so với kế hoạch. Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long, các nhà thầu ký cam kết hoàn thành dự án trong năm 2022, kiểm soát tiến độ thực hiện của các nhà thầu theo cam kết. Tiếp tục huy động bổ sung nguồn lực để thi công các hạng mục dự án, đảm bảo cơ bản hoàn thành và thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022.
Đảm bảo thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022?
Theo đánh giá từ Bộ GTVT, sở dĩ dự án chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, điều kiện thời tiết mưa nhiều, khan hiếm nguồn cung vật liệu. Đáng chú ý, giá vật liệu tăng cao như thép tăng từ 30 - 40%, xi măng tăng từ 20 - 25%; đá xây dựng tăng từ 40 - 50% đã ảnh hưởng đến công tác thi công của các nhà thầu.
Dù Chính phủ đã có các Nghị quyết tháo gỡ các vướng mắc về nguồn đất đắp, nhưng do thủ tục cấp phép, khai thác mỏ qua 13 bước, mất 117 ngày và khi xử lý xong để khai thác thì bước vào mùa mưa. Công tác vận chuyển vật liệu, thi công đắp nền đường rất khó khăn.
Bộ GTVT cho biết, công trình thi công cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hiện còn 1 trụ điện 500KV tại huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) nằm trong mặt bằng công trình, nếu không hoàn thành sớm việc di dời trước ngày 15/9/2022 (nhưng đến nay vẫn chưa di dời), dự án sẽ không thể hoàn thành theo đúng tiến độ vào ngày 31/12/2022.
Do đó, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long kiểm tra, rà soát tiến từng gói thầu, tăng cường nhân lực, thiết bị, tài chính, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” đẩy nhanh tiến độ, bù lại khối lượng đã bị chậm và ký cam kết hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận di dời đường điện cao thế; xem xét, chấp thuận báo cáo của Bộ Xây dựng về tháo gỡ vướng mắc trong quản lý chi phí xây dựng, đảm bảo việc công bố giá, chỉ số giá vật liệu sát với thị trường.
Hiện Bộ GTVT đã phát động “Phong trào thi đua 120 ngày đêm để thông xe kỹ thuật” tạo động lực thi công, hoàn thành dự án trong năm 2022. Nhưng thực tế cho thấy, khối lượng các hạng mục phải hoàn thành khá lớn, thời gian thi công không nhiều (hơn 3 tháng), hiện vẫn đang mùa mưa, trong khi đó năng lực quản trị, tổ chức của các nhà thầu còn hạn chế. Vì vậy, dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có thông xe đúng tiến độ vào cuối năm 2022 theo kế hoạch đã đề ra?