Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hối hả thi công ngày đầu năm mới

Trương Hiệu - Hoàng Xuân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km, điểm đầu tại thị trấn Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai) đến điểm cuối là TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Ngày đầu năm mới 2023, tuyến cao tốc này bắt đầu thông xe kỹ thuật, các điểm nhấn trên công trình đang hối hả thi công.

Đoạn qua địa bàn huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) nhộn nhịp thi công ngày đầu năm mới 2023.
Đoạn qua địa bàn huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) nhộn nhịp thi công ngày đầu năm mới 2023.

Dự án đường cao tốc Dầu Giâu - Phan Thiết có tổng chiều dài 99 km, đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận, với tổng vốn đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Dự án khởi công vào tháng 9/2020.

Công nhân thi công trên công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ngày đầu năm mới 2023.
Công nhân thi công trên công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ngày đầu năm mới 2023.

Ghi nhận ngày đầu năm mới 2023, toàn tuyến cao tốc bắt đầu thông xe kỹ thuật. Đây là một tuyến cao tốc được mọi người dân khu vực miền Đông Nam bộ nói riêng và người dân cả nước nói chung mong đợi đến ngày hoàn thành thông xe.

Tuyến cao tốc này được đấu nối với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (tại xã Lộ 25,  huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), sẽ rút ngắn thời gian từ TP Hồ Chí Minh đến TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) chỉ còn hơn 2 giờ chạy xe, giảm gần một nửa thời gian so với trước khi hình thành tuyến cao tốc.

Phương tiện thi công công trình vận hành trên Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn quan huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) ngày đầu năm 2023.
Phương tiện thi công công trình vận hành trên Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn quan huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) ngày đầu năm 2023.

Trên tuyến cao tốc, các nhà thầu đã huy động thêm nhiều phương tiện, máy móc và nhân công để thi công các hạng mục của dự án. Tại khu vực tuyến cao tốc đi qua địa bàn TP Phan Thiết, nhiều công nhân hối hả điều khiển máy móc vận chuyển đất đá, lu nền đường, thảm nhựa nóng trên đường.

Tai khu vực các đồi 30, 32 và 34 thuộc gói thầu số 2 - XL, những khối đá cát trộn xi măng, đất đá được xe múc chuyển đi nơi khác. Các đoạn trên tuyến cao tốc được kết nối thông thoáng, xe quản lý công trình, xe chở vật liệu di chuyển qua lại. Anh Hoàng Ngọc Bắc - chuyên viên thi công công trình cho biết: “Những ngày qua, chúng tôi làm việc miệt mài trong không khí đón mừng năm mới trên công trình. Một công trình giao thông mang tầm quan trọng nên chúng tôi không ngại khó”.

Tại khu vực huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), tuyến cao tốc có chiều dài trên 10 km chạy dài qua những cánh rừng cao su bạt ngàn, do Liên doanh Nhà thầu Vinaconex - Trung Chính đảm trách. Tuyến cao tốc này đã được thảm nhựa láng bóng, các phương tiện vận chuyển trên công trường qua lại ngược xuôi.

Tại địa bàn xã Sông Nhạn (thuộc huyện Cẩm Mỹ), hàng chục công nhân đang làm việc hối hả. Khu vực này còn có điểm tập kết và trung chuyển vật liệu cho toàn tuyến cao tốc. Đây cũng là một trong những điểm cuối của tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Công trường hối hả thi công trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Công trường hối hả thi công trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Tại khu vực huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), nơi đường cao tốc đi qua thuộc gói thầu trị giá hơn 2.000 tỷ đồng. Đoạn cao tốc này có chiều dài khoảng 30 km, được khởi công từ tháng 10/2020, do Liên doanh nhà thầu Vinaconex - Trung Chính đảm trách, nhiều chỗ vẫn còn ngổn ngang. Để đẩy nhanh tiến độ thi công, nhà thầu huy động thêm nhân công, các phương tiện máy móc như xe cẩu, xe lu, máy xúc làm việc ngày đêm trên công trường, hiện đã thảm nhựa khoảng 10km.

Tại khu vực cầu vượt 765, hàng chục phương tiện xe tải, xe múc đất đá vận hành nhộn nhịp. Nhiều đoạn đường đã được đổ bê tông nhựa nóng. Tuy vậy, vẫn còn vài điểm đang thi công dang dở. Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết, để đảm bảo được mục tiêu thông xe kỹ thuật, các nhà thầu đã huy động bổ sung thêm 150 nhân công, 50 máy thi công, hơn 100 xe vận chuyển các loại.

Anh Lê Khắc Thiết - kỹ sư xây dựng đang làm việc tại công trường cho biết: "Giá vật liệu hiện nay tăng cao nên các nhà thầu gặp nhiều khó khăn. Thời gian vừa qua, chúng tôi thi công trong điều kiện gặp những cơn mưa, phải dừng thi công nhiều ngày. Do đó, dự án đã điều chỉnh lại kế hoạch thông xe kỹ thuật đến ngày 31/12/2022”. 

Tại khu vực TP Long Khánh, nơi tuyến cao tốc dài 2,6 km đi qua đã xây xong cây cầu vượt bắc qua cao tốc nối với con đường đi vào trung tâm TP này. Bà Lê Thị Tư (ngụ ấp Tân Phong, TP Long Khánh) cho biết: “Thời gian trước, các nhà thầu thi công có phần chậm trễ. Nhưng những ngày gần Tết Dương lịch, công trình được thi công khá sôi động. Mọi người dân thật sự mong tuyến cao tốc sớm thông xe sớm, để việc đi lại thuận tiện hơn”.

Những đống đất cát dư thừa trên tuyến cao tốc đang được múc dọn sạch.
Những đống đất cát dư thừa trên tuyến cao tốc đang được múc dọn sạch.

Ông Đặng Hùng Thái - Giám đốc điều hành công trường dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết: “Chúng tôi đã thi công gấp rút để toàn tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe kỹ thuật vào ngày cuối năm 2022. Hiện tại các nhà thầu sẽ tiếp tục thi công các hạng mục phụ trợ, an toàn giao thông, đường gom dân sinh để đưa dự án vào khai thác trước dịp lễ 30/4 năm 2023".