Theo ông Thảo, kết thúc mẻ thảm nhựa cuối cùng cách đây ba tháng thì chất lượng công trình đã được đảm bảo và ngày 30/6 vừa qua đã thông toàn tuyến.
“Dự kiến, ngay sau đó, cao tốc này sẽ thu phí nhưng vẫn chưa thu được do chưa xây xong trạm thu phí vì những vướng giải phóng mặt bằng. Hiện nay, nhà đầu tư đang hoàn thiện và lắp đặt các trang thiết bị tại trạm,” ông Thải nói.
Trước đó, Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ. Mức thu phí cụ thể dao động từ 10.000-180.000 đồng/vé/lượt tùy theo đoạn tuyến và theo loại phương tiện.
Đoạn tuyến được đề xuất mức phí thấp nhất là đoạn Vạn Điểm-cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và ngược lại với mức thu từ 10.000-40.000 đồng/vé/lượt, tùy loại phương tiện.
Đoạn tuyến được đề xuất mức phí cao nhất là đoạn Pháp Vân-Cầu Giẽ-Hà Nam và ngược lại mức thu từ 45.000-180.000 đồng/vé/lượt, tùy loại phương tiện. Đoạn tuyến Pháp Vân-cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và ngược lại cũng được đề xuất mức thu từ 45.000-175.000 đồng/vé/lượt, tùy loại phương tiện.
Bên cạnh đó, các phương tiện cũng có thể sử dụng vé tháng với mức từ 300.000-5.400.000 đồng/vé/tháng; vé quý với mức từ 810.000-14.580.000 đồng/vé/quý tùy theo đoạn tuyến và theo loại phương tiện.
Với phương án thu phí này, dự án có đơn giá 1.500 đồng/km (tính cho loại xe tiêu chuẩn, dưới 12 chỗ ngồi), bằng với mức thu tại các tuyến đường cao tốc làm mới như Cầu Giẽ-Ninh Bình, hay Nội Bài-Lào Cai.
Đặt câu hỏi đến việc mức phí cao đẩy gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân, thời gian thu phí rút ngắn từ 23 năm xuống còn hơn 17 năm và có lo sợ phương tiện chuyển sang lưu thông trên Quốc lộ 1 cũ, ông Thảo bày tỏ quan điểm, phương tiện có quyền lựa chọn tuyến đường và mức phí được xây dựng trên nguồn vốn đầu tư và thời gian thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư.
“Khi tính toán thu phí không phải thu ngắn hay dài mà cách tính dựa theo lưu lượng xe. Nhà đầu tư càng sớm bàn giao cho Nhà nước thì Nhà nước càng có lợi. Vị trí trạm thu phí được đặt sau khi có sự đồng ý của thành phố Hà Nội và liên Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải.
Nhiều ý kiến cho rằng, tuyến đường này chỉ sửa chữa, mở rộng và nâng cấp nhưng lại thu phí như làm mới, ông Thảo khẳng định, dù là dự án nâng cấp nhưng để đạt được yêu cầu để phương tiện lưu thông với tốc độ cao, nhà đầu tư phải tăng khối lượng đào đắp để tạo độ phẳng của mặt đường, độ thẳng của hướng tuyến nên chi phí xây dựng xấp xỷ bằng đầu tư tuyến mới.
“Trong giai đoạn đầu, do thi công nền đường bằng cấp phối đá dăm gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến an toàn giao thông nên Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu nhà đầu tư chuyển sang dùng cấp phối bêtông nhựa rỗng,” vị Phó Tổng giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ nói.
Theo ông Thảo, dự kiến vào tháng 10 tới sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 làn đường, xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 33,5m.
“Hiện tại, đường chỉ giới, công tác rà phá bom mìn đã cơ bản làm xong. Riêng phần giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 2 ước lượng số tiền khoảng 2.000 tỷ đồng nhưng chưa chính xác vì phụ thuộc vào công tác thống kê và hệ số đền bù của giá đất. Nếu mặt bằng sạch được bàn giao thì dự án sẽ về đích đúng tiến độ vào năm 2017,” ông Thảo khẳng định.
Trước đó, ngày 5/8 vừa qua, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã giao các cơ quan liên quan tiến hành thanh, kiểm tra dự án nâng cấp tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công-tư (hợp đồng BOT).
Theo đó, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông, Vụ Khoa học Công nghệ sẽ tiến hành thanh tra dự án này ngay trong tháng Tám.
Nhà đầu tư đang hoàn thiện vị trí trạm thu phí tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ.
|
Dự án có tổng chiều dài khoảng 29km với điểm đầu tại Km182+300 (vị trí nút giao Pháp Vân giao giữa đường Pháp Vân-Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 của Hà Nội). Điểm cuối tại Km211+256 (Km211+000 của tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình). Dự án có tổng mức đầu tư là 6.731 tỷ đồng và được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 mức đầu tư là 1,974 tỷ đồng, bao gồm cải tạo, nâng cấp yếu tố bình đồ và mặt cắt dọc, kết cấu mặt đường chính tuyến đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới, tận dụng đường hiện tại với bề rộng nền đường 25,0m. Giai đoạn 2, mức đầu tư là 4,757 tỷ đồng, bao gồm xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 33,5m, xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp 4 đồng bằng. |