Cao tốc TPHCM - Trung Lương “đội” vốn vì sai phạm

Chia sẻ Zalo

KTĐT -Thanh tra Chính phủ đã dẫn chứng bằng một số hợp đồng thuộc 8/17 gói thầu của dự án, trong đó có 7 gói thầu thuộc tuyến cao tốc, 1 gói thầu thuộc tuyến đường dẫn.

KTĐT -Thanh tra Chính phủ đã dẫn chứng bằng một số hợp đồng thuộc 8/17 gói thầu của dự án, trong đó có 7 gói thầu thuộc tuyến cao tốc, 1 gói thầu thuộc tuyến đường dẫn.

Chất lượng chuẩn bị đầu tư thấp, thực hiện không đúng quy định về quản lý chi phí, làm tăng tổng mức đầu tư… Đó là kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc dự án đường ô tô cao tốc TPHCM - Trung Lương “đội” vốn từ 6.500 tỷ lên 9.800 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra nêu rõ, ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, theo đánh giá của cơ quan chức năng, chất lượng chuẩn bị đầu tư cho công trình này là thấp. Do cả phía tư vấn lập dự án, tư vấn thẩm định không nghiên cứu kỹ lưỡng quá trình thiết kế và thẩm định, dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 6.500 tỷ đồng nhưng đã phải điều chỉnh lên gần 9.900 tỷ đồng, trội hơn 3.000 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ đã dẫn chứng bằng một số hợp đồng thuộc 8/17 gói thầu của dự án, trong đó có 7 gói thầu thuộc tuyến cao tốc, 1 gói thầu thuộc tuyến đường dẫn.

Các đơn vị chức năng cũng chưa làm rõ hiệu quả kinh tế khi điều chỉnh các hạng mục kỹ thuật, biện pháp thi công công trình, không đúng với quy định tại nghị định số 9/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư và xây dựng. Việc này làm tăng tổng mức đầu tư trên 673 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện đầu tư, do khảo sát địa chất không kỹ, một số hạng mục chưa cập nhật hết điều kiện địa chất bất thường dẫn đến kết quả tính toán không phù hợp với thực tế. Tại một số điểm khảo sát, vị trí mặt cắt ngang cao tốc, độ dày đệm cát thoát nước không đảm bảo quy định, có mạch nước ngầm nhưng việc khảo sát thiết kế kỹ thuật cũng không phát hiện ra. Gói thầu số 9 hiện vẫn phải tiếp tục bù lún bằng bê tông nhựa hạt mịn.

Sự cố sập nhịp dẫn cầu Chợ Đệm, bục đáy trụ T3 cầu Bến Lức, sụt trượt, lún nền đường của gói thầu số 9… có nguyên nhân phần nào từ lỗi trên của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư). Đặc biệt, dù công trình được mua bảo hiểm nhưng tại thời điểm thanh tra, Ban quản lý dự án vẫn chưa làm đủ các thủ tục để yêu cầu bồi thường.

Đại diện chủ đầu tư trong quá trình nghiệm thu, thanh quyết toán còn chi trả cho nhà thầu khi chưa đủ cơ sở, sai về khối lượng, định mức, đơn giá với số tiền trên 32,7 tỷ dồng. Tại thời điểm kết thúc thanh tra, đơn vị đã thanh toán cho các nhà thầu số tiền tăng thêm hơn 209 tỷ đồng, chưa đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Thanh tra Chính phủ đề nghị chủ đầu tư giải trình rõ về khoản tiền hơn 673 tỷ đồng bổ sung và 209 tỷ đồng thanh toán không đúng quy định cho nhà thầu đồng thời quy trách nhiệm cho Bộ GTVT, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, Cục quản lý chất lượng công trình giao thông và các đơn vị tư vấn cũng như yêu cầu kiểm điểm các cá nhân liên quan.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần