Cặp anh em cao tuổi nhất Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) vừa xác định “Cặp anh em cao tuổi nhất Việt Nam” là các cụ Trần Đình Thăng (SN 1909, 105 tuổi) và em trai là cụ Trần Đình Liên (SN 1912, 102 tuổi).

Hiện hai cụ đang sinh sống tại thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Trần Thị Mai (con gái của cụ Thăng) cho biết: “Vợ chồng tui đã nhiều lần khuyên ông sang nhà để tiện chăm sóc nhưng ông không chịu mà cứ thích ở một mình. Ông bảo rằng, ông không muốn làm phiền đến con cháu. Thời gian gần đây, sức khỏe của ông có phần yếu đi, tui là con gái duy nhất của ông nên thấy mình phải có trách nhiệm phụng dưỡng ông lúc tuổi già”.

 
Dù tuổi đã cao nhưng cụ Liên vẫn giữ được sự mẫn tiệp và sức khỏe ổn định
Dù tuổi đã cao nhưng cụ Liên vẫn giữ được sự mẫn tiệp và sức khỏe ổn định
Năm 2013, cụ Thăng được xây tặng căn nhà mới để thuận lợi trong sinh hoạt. Tuy nhiên, ông vẫn thích giữ lại căn nhà cũ để làm kỷ niệm và không cho ai tháo dỡ. Hàng ngày, bà Mai thường đưa cơm sang nhà và trò chuyện cùng cụ Thăng để ông bớt buồn.

Riêng cụ Trần Đình Liên (em trai cụ Thăng) hiện đang sống cùng con trai là ông Trần Hằng. Mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ Thăng và cụ Liên vẫn minh mẫn và đi lại bình thường.

Ông Trần Hằng cho biết: “Từ nhỏ cho đến bây giờ, bác Thăng rất thương bố tôi. Chưa bao giờ thấy hai cụ to tiếng với nhau điều gì. Mỗi lần gia đình có dịp đoàn tụ, 2 cụ thường khuyên răn con cháu phải sống đoàn kết, thương yêu, chăm sóc lẫn nhau và sống hòa nhã với mọi người. Có lẽ, hai cụ sinh sống trong thời kỳ gian khó nên đã quen với lối sống giản dị, tính khiêm nhường. Anh em chúng tôi cảm thấy vui mừng khi 2 cụ được bình chọn là “Hai anh em sống thọ nhất”. Đó cũng là niềm tự hào, niềm động viên đối với các cụ khi về già”.

 
Cụ Thăng vẫn nhớ rất rõ từng mẩu chuyện ngày trước
Cụ Thăng vẫn nhớ rất rõ từng mẩu chuyện ngày trước
Chia sẻ về “bí quyết” sống thọ, cụ Liên nói: “Có thể nhờ lao động mà tui có được sức khỏe ổn định và ít ốm đau như hiện nay. Hồi trước khỏe thì đi biển đánh cá, còn sau này già rồi không đi được nữa. Nhưng hàng ngày tui vẫn dành thời gian đi lại quanh nhà và xem như đó là một cách nâng cao sức khỏe”.

Được biết, hồi còn trẻ, cụ Thăng và cụ Liên là một trong những thanh niên hăng hái tham gia vận chuyện lương thực, vũ khí… tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, góp sức để quân và dân ta đánh thắng kẻ thù xâm lược. Khi đất nước hòa bình, cả 2 ông đều là những ngư dân cần cù, chất phác, biết chăm lo cho cuộc sống gia đình.

Hiện cụ Liên có tất cả 21 người cháu nội, ngoại, 23 chắt. Còn cụ Thăng chỉ có 5 người cháu ngoại. Một số cháu của các cụ đã trưởng thành và làm việc rất xa nhưng vẫn thường xuyên gọi điện về hỏi thăm sức khỏe của 2 ông.

“Hiếm khi gia đình sum họp đông đủ, nhưng mỗi lần các con tôi gọi điện về thăm, bố đều khuyên răn chúng phải sống tử tế, tránh làm điều gì trái pháp luật. Cụ cũng căn dặn vợ chồng tôi phải sống chan hòa với anh, chị, em và bà con lối xóm”, ông Hằng chia sẻ.   

Trò chuyện với chúng tôi, cụ Thăng chia sẻ: Dù cuộc sống của cụ thiếu thốn về vật chất nhưng luôn dạt dào tình cảm. Sống làm sao để mọi người quý mình, tôn trọng mình mới khó, để họ ghét mình rất dễ. Bản thân mình sống vừa để cho mình, vừa để phúc cho con cháu sau này. Điều đó mới làm cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa hơn.