Cấp bách ngăn chặn cúm gia cầm H7N9

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến dịch cúm gia cầm H7N9 đang tiến sát biên giới Việt - Trung, chiều...

Kinhtedothi - Trước diễn biến dịch cúm gia cầm H7N9 đang tiến sát biên giới Việt - Trung, chiều 13/2, Bộ NN&PTNT đã có cuộc họp khẩn với các bộ, ngành và đại diện các tổ chức quốc tế FAO, WHO tại Việt Nam để bàn biện pháp ứng phó. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, bằng mọi biện pháp cấp bách phải ngăn chặn  virus cúm A/H7N9 và các virus khác lây lan vào Việt Nam.

* Đề nghị cấm nhập khẩu sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc

4 phương án khẩn
Hà Nội thành lập 5 đội cơ động ứng phó với dịch cúm
Chiều 13/2, theo tin từ TTYT Dự phòng Hà Nội, để phòng chống dịch cúm gia cầm lây sang người, TTYT Dự phòng TP đã quyết định thành lập 5 đội cơ động ứng phó với dịch cúm gia cầm trên người, mỗi đội có 10 thành viên. Ngoài ra, mỗi quận/huyện cũng sẽ thành lập 2 đội phản ứng cơ động với dịch bệnh, mỗi đội 5 - 7 người. Khi nhận được tin báo về các ổ dịch cúm gia cầm có người bị lây bệnh, trong vòng 30 phút đến 1 giờ, các đội cơ động này sẽ lập tức lên đường đến ổ dịch để xử lý triệt để.
Trước đó, Sở NN&PTNT Hà Nội có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã; Chi cục Thú y và Trung tâm khuyến nông Hà Nội chủ động tăng cường giám sát dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn, kịp thời xử lý, ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) thông tin, đến ngày 13/2, tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), giáp với biên giới 4 tỉnh phía Bắc của Việt Nam đã có 3 ca nhiễm cúm A/H7N9. Như vậy, từ khi xuất hiện (tháng 3/2013) đến nay, virus cúm gia cầm H7N9 đã lây nhiễm, gây bệnh 337 ca trên người, trong đó có 70 ca tử vong tại nhiều tỉnh, TP ở Trung Quốc. Virus cúm A/H7N9 thường được phát hiện ở những nơi tập trung nhiều gia cầm như chợ đầu mối gia cầm và có cơ chế lây truyền từ gia cầm sang người với tỷ lệ tử vong cao. Ghi nhận ở Trung Quốc còn phát hiện virus cúm A/H7N9 trên chim hoang dã, chim bồ câu… qua xét nghiệm dương tính với .

Trước tình hình cúm A/H7N9 có nguy cơ lây lan vào Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với chủng virus này và các chủng virus cúm gia cầm khác vào Việt Nam. Ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y cho biết, kế hoạch đưa ra 4 tình huống khẩn có thể xảy ra ở Việt Nam. Đó là: Chưa phát hiện vius cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người; Chưa phát hiện virus H7N9 trên gia cầm, môi trường nhưng có người nhiễm; Chưa phát hiện trên người nhưng trên gia cầm có nhiễm; Tình huống xấu nhất là phát hiện trên cả gia cầm và người. Với cả 4 tình huống này, Bộ đều xây dựng những giải pháp cụ thể để triển khai phòng chống dịch.
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay Việt Nam đang ở tình huống thứ nhất, đó là chưa phát hiện virus cúm H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người. Đại diện Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) cảnh báo, Việt Nam, Lào, Myanmar là những nước có nguy cơ cao về lây nhiễm virus cúm A/H7N9. Do đó, cần thiết phải xây dựng kế hoạch chủ động để đối phó với chủng virus này. Mục tiêu chung là chủ động phát hiện, sẵn sàng ứng phó với dịch và giảm thiểu tác động tiêu cực cho con người.

 
Buôn bán gia cầm tại chợ đầu mối Hà Vỹ, huyện Thường Tín. Ảnh: Quang Thiện
Buôn bán gia cầm tại chợ đầu mối Hà Vỹ, huyện Thường Tín. Ảnh: Quang Thiện
Ngăn chặn bằng nhiều biện pháp

Tại cuộc họp, đại diện Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, nếu gia cầm nhiễm virus cúm A/H5N1 đều phát bệnh rồi chết thì vius H7N9 gây bệnh nhưng không có triệu chứng lâm sàng và không gây chết gia cầm nên chỉ có thể biết bằng cách xét nghiệm. Trong khi đó, hiện chưa có vaccine đặc trị loại virus cúm này. Do đó, nhiệm vụ cấp bách đặt ra là phải ngăn ngừa virus này xâm nhập vào Việt Nam bằng mọi biện pháp. Trong đó, cốt yếu nhất vẫn là ngăn chặn buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm có thể mang theo virus vào Việt Nam, nhất là từ Trung Quốc. Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Cục sẽ đôn đốc các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc, giáp Trung Quốc đẩy mạnh quyết liệt thực hiện Đề án 2088 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu qua biên giới. Đồng thời, rà soát toàn bộ các địa bàn có nguy cơ nhiễm cao để ngăn chặn mọi đường xâm nhập của virus vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh, trong năm 2013, chúng ta đã nỗ lực đấu tranh với việc buôn lậu gia cầm và đã có thành công nhất định. Trên cơ sở kinh nghiệm đó, cần phối hợp và làm quyết liệt hơn nữa để ngăn chăn virus cúm A/H7N9 xâm nhập qua đường biên giới. Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị thực hiện cấm nhập khẩu gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam dưới mọi hình thức.

Người đứng đầu Bộ NN&PTNT khẳng định, nhận thức người dân là yếu tố quyết định thành công của việc ngăn chặn virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam. Do đó, cần tuyên truyền sâu rộng để tất cả người dân hiểu được nguy cơ cũng như các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời làm tốt công tác giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh, nhất là giám sát thường xuyên tại các chợ đầu mối gia cầm. Hiện, Bộ NN&PTNT đã cử 18 cán bộ về 9 tỉnh biên giới để thực hiện liên tục việc lấy mẫu xét nghiệm, giám sát tình hình lây lan dịch bệnh.

Dự kiến, trong ngày hôm nay (14/2), Bộ NN&PTNT ban hành kế hoạch hành động khẩn ứng phó với virus cúm gia cầm H7N9.

 
Một người tử vong vì cúm A/H1N1

Cuối giờ chiều 13/2, bệnh nhân Huỳnh Thanh Tuấn (30 tuổi, ở xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang, Khánh Hoà) bị nhiễm cúm A/H1N1 đã tử vong tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Trước đó, bệnh nhân Tuấn nhập viện trưa ngày 5/2 với các triệu chứng ho, khó thở, diễn biến tăng lên suy hô hấp nặng, suy đa phủ tạng. Ngoài các dấu hiệu bệnh cúm với các biến chứng nặng, bệnh nhân còn bị suy tuyến giáp, trong tình trạng nguy kịch và được điều trị đặc biệt tại phòng cách ly của BV. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm virus cúm A/H1N1. Ngoài trường hợp của anh Tuấn, hiện tại khoa truyền nhiễm BV đa khoa tỉnh Khánh Hoà còn có 4 trường hợp khác nghi nhiễm cúm do virus và đang chờ kết quả xét nghiệm.

Theo TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, giám sát cúm trong các tuần gần đây cho thấy, nhiều trường hợp viêm phổi do virus cúm, trong đó cúm A/H1N1 đang xuất hiện mạnh. Đây là virus lưu hành như virus cúm mùa thông thường, độc lực không mạnh như cúm A/H5N1 và H7N9. Tuy nhiên, các ca nhiễm virus này cần được theo dõi diễn biến bệnh để được can thiệp kịp thời tránh trường hợp bội nhiễm gây viêm phổi, khó thở, thậm chí gây tử vong. Virus cúm A/H1N1 nguy hiểm cho người có bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người già.

Tính đến 13/2, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã có gần 3.000 con gia cầm bị mắc dịch cúm A/H5N1, tỉnh đã xuất hơn 170.000 liều vắc xin tiêm phòng đợt 2 và bao vây khống chế khu vực ổ dịch.