Hàng Việt khẳng định vị trí
Báo cáo tổng kết năm 2015 của Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội cho thấy, đến nay, hơn 90% hàng hóa bày bán ở các siêu thị là hàng Việt Nam, như hệ thống siêu thị Vinatex Mart gần 100%, hệ thống siêu thị Saigon Coop Mart là khoảng 95%, hệ thống siêu thị Big C là gần 90%... Tại các khu vực nông thôn, hiện có tới 80% hàng Việt được bày bán, trong đó sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu học tập của học sinh chiếm 90% là hàng Việt. Đó là những kết quả đáng khích lệ giúp hàng Việt có chỗ đứng tại thị trường trong nước.
Đại diện Công ty CP Nhất Nam (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Fivimart) cho biết: Hiện, Chương trình “Tự hào hàng Việt” thu hút khoảng 400.000 khách hàng và 600 nhà cung cấp tham gia/tháng. Các DN và nhà bán lẻ đã thực sự vào cuộc để “tiếp sức” cho hàng Việt Nam. Ông Lương Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khóa Việt - Tiệp cho biết: Để chiếm được lòng tin của NTD, DN đã chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Mặt khác, DN đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm và cách phân biệt sản phẩm khoá Việt - Tiệp với các nhãn hàng khác. Đặc biệt, DN tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng triệt phá các đường dây sản xuất hàng giả, qua đó bảo vệ quyền lợi NTD và thương hiệu của DN.
Tranh thủ sự ủng hộ của người tiêu dùng
Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng có thể thấy hàng Việt chưa có nhiều thương hiệu thực sự mạnh, được NTD trong nước và thế giới biết đến. Trong hoàn cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, việc tranh thủ sự ủng hộ của NTD để xây dựng thương hiệu Việt đủ sức cạnh tranh trên “sân nhà” là điều không thể chậm trễ. Kết quả khảo sát hơn 600 DN và khách hàng nước ngoài của Bộ Công Thương cho thấy: Ấn tượng của người nước ngoài về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam còn mờ nhạt. Bên cạnh đó, các DN cũng chưa nhận thức đầy đủ việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để được bảo hộ, chủ yếu mới chú trọng đăng ký tại thị trường trong nước, chứ chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài.
Tại diễn đàn xây dựng thương hiệu Việt diễn ra trong khuôn khổ "Tuần nhận diện hàng Việt" do Bộ Công Thương vừa tổ chức, đại diện nhiều DN chia sẻ, không phải họ lãng quên việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, mà do tiềm lực tài chính còn hạn chế khiến việc tạo lập, quảng bá thương hiệu gặp nhiều khó khăn. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng: Để hỗ trợ DN trong quá trình xây dựng thương hiệu, cơ quan chức năng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đăng ký thương hiệu; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu thương hiệu. Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, các DN cần chủ động trong việc cải tiến mẫu mã, giữ chữ tín bằng cách không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu NTD trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội: Các cơ quan quản lý cần đưa ra nhiều hơn những chính sách bảo vệ hàng hóa mang thương hiệu Việt. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật cần hoàn thiện hơn, giúp DN có môi trường kinh doanh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu; đồng thời nên tạo cơ hội cho DN tiếp cận mặt bằng trong quá trình xây dựng hệ thống bán lẻ bởi đây chính là “cầu nối” giữa nhà sản xuất và NTD. “Đây là một trong những giải pháp hỗ trợ để DN sản xuất cải tiến mẫu mã sản phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu mua sắm” - ông Nguyễn Tiến Vượng khẳng định.
Người dân huyện Quốc Oai mua hàng Việt tại phiên chợ Tết tổ chức trên địa bàn huyện. Ảnh: Hoài Nam
|