Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp cứu bé trai 5 tuổi bị đuối nước tại bể bơi resort

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong chuyến du lịch cùng gia đình dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, một bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và người dân đã cấp cứu thành công cho cháu bé khoảng 5 tuổi bị đuối nước tại bể bơi.

Trước đó, khoảng 16 giờ ngày 2/9, một bác sĩ Khoa Hồi sức ngoại khoa và ghép tạng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khi đang bơi cùng các con ở bể bơi nằm trong một khu Resort ở Ninh Bình, thì nghe tiếng kêu thất thanh rồi thấy một người đàn ông đang vớt cháu bé từ dưới bể bơi lên.

Mẹ cháu bé hoảng hốt, bế cháu định chạy đi tìm người cấp cứu. Ngay lập tức bác sĩ đã chạy lại nói mẹ cháu đặt bé nằm xuống để cấp cứu.

Bác sĩ chia sẻ lại khoảnh khắc đấu tranh để dành giật lại sự sống cho cháu: “Nhận định thấy cháu bé tím tái, mất ý thức, mất các phản xạ, bụng chướng căng, tôi liền tiến hành cấp cứu hồi sinh tim phổi cho bé (ép tim và thổi ngạt). Sau khoảng 5 phút cấp cứu hồi sinh tim phổi cho cháu, người cháu vẫn tím tái và không có phản xạ gì.

Cấp cứu bé trai 5 tuổi bị đuối nước tại bể bơi resort - Ảnh 1

Tôi thực sự rất lo cháu có thể không qua khỏi, nhưng không vì thế mà nản lòng, tôi tiếp tục ép tim, thổi ngạt cho cháu. Sau khoảng 10 phút cháu bé bắt đầu có phản xạ, nôn ra nhiều nước, kiểm tra cháu bé có mạch trở lại, gọi hỏi bắt đầu biết.

Tôi cùng các du khách khác cởi quần áo bơi, đắp chăn ủ ấm cho cháu và hướng dẫn lễ tân khách sạn gọi xe cấp cứu để đưa cháu bé vào bệnh viện theo dõi tiếp”.

Từ trường hợp cấp cứu bất ngờ trên, bác sĩ Nguyễn Thái Cường – Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức ngoại khoa và ghép tạng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh khi không may gặp phải người bị đuối nước.

Sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu oxy. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 4-5 phút, nếu quá thời này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. 

Để cứu sống trẻ trong khoảng “thời gian vàng”, người cứu đuối đặc biệt chú ý, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, không mạch (không bắt được mạch cảnh, mạch bẹn) thì cần đặt trẻ trên một mặt phẳng cứng và tiến hành hồi sinh tim phổi ngay.

Kỹ thuật hồi sinh tim phổi được tiến hành qua 3 bước như sau:

Bước 1: Ép tim ngoài lồng ngực

- Vị trí ép tim: chính giữa 1/2 dưới xương ức.

- Tư thế tay: Sử dụng một tay đặt vuông góc với lồng ngực (trẻ lớn/người lớn có thể dùng 2 tay)

- Tần số: 100-120 lần/phút.

- Lực ép: ở trẻ nhỏ, lực ép đủ để xương ức lún sâu xuống 1/3 độ dày lồng ngực (trẻ lớn/người lớn là 5-6 cm)

Bước 2: Khai thông đường thở

- Ngửa đầu - nâng cằm trẻ

- Dùng ngón tay móc đất, bùn, đờm dãi ra khỏi miệng trẻ

Bước 3: Thổi ngạt

- Với trẻ nhỏ: đặt miệng của bạn trên cả mũi và miệng của trẻ để thao tác thổi ngạt được kín.

- Với trẻ lớn: một tay ép cánh mũi và đưa miệng của bạn thổi vào miệng của trẻ.

- Thổi chậm, đều trong 1-2 giây và ngực của trẻ sẽ phồng lên.

- Thổi ngạt 2 lần liên tiếp. 

Người dân cần lưu ý: Hạn chế tối đa việc dừng ép tim; tiến hành hồi sinh tim phổi liên tục theo chu kì 30 lần ép tim/ 2 lần thổi ngạt. Tiếp tục ép tim và thổi ngạt liên tục (cả trong quá trình vận chuyển cấp cứu) cho tới khi trẻ có dấu hiệu sống (tự thở lại, hồng hào…) hoặc có sự trợ giúp của nhân viên y tế.

Chỉ với những thao tác cấp cứu đơn giản trên đôi khi có thể giúp cứu sống được một tính mạng con người. Do đó, mọi người, đặc biệt là nhân viên tại các bể bơi nên trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản để đảm bảo an toàn cho người thân và những người xung quanh.