Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp nước sạch cho Khu đô thị Thanh Hà đã dần ổn định

Kim Thạch
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về tình trạng thiếu nước sạch ở khu đô thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải khẳng định, việc cấp nước cho khu đô thị nói trên đã dần ổn định. Qua công tác lấy mẫu xét nghiệm cho thấy chất lượng nước sạch đầu nguồn đều đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng.

Chiều ngày 4/11, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, trả lời về việc mất nước tại Khu đô thị Thanh Hà (Thanh Oai, TP Hà Nội), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, về quy hoạch cấp nước nói chung, TP Hà Nội có 2 thời điểm quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Với quy hoạch này, Khu đô thị Thanh Hà, khu vực quận Hà Đông, phía Nam Hà Nội được cấp nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà; sau đó bổ sung thêm từ nguồn Nhà máy nước mặt Xuân Mai.

Tuy nhiên, đến nay, tuyến ống truyền dẫn DN800 trên đường Vành đai 3,5 và Vành đai 4 chưa được đầu tư xây dựng; Nhà máy nước mặt Xuân Mai đang triển khai.

Toàn cảnh phiên họp báo.
Toàn cảnh phiên họp báo.

Để cấp nguồn cho dự án, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông đã có văn bản về việc cấp nước cho dự án khoảng 1.000m3/ngày - đêm. Để cung cấp đủ nước sạch cho Khu đô thị Thanh Hà, năm 2018, UBND thành phố đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho phép Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà nghiên cứu triển khai trạm cấp nước cục bộ với công suất 5.000m3/ngày - đêm.

Từ ngày tháng 6/2021, chất lượng nước sẽ phải áp dụng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà đã điều chỉnh khai thác nước ngầm với sản lượng khoảng 1.000-1.500m3/ngày - đêm và bổ sung nguồn từ Nhà máy nước sông Đuống khoảng 2.000-3.000m3/ngày - đêm thông qua tuyến ống cấp nước của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông để cấp nước cho người dân Khu đô thị Thanh Hà.

Hiện nay, Khu đô thị Thanh Hà có quy mô dân số khoảng 26.500 người với lưu lượng dùng nước khoảng 3.500m3/ngày - đêm. Từ ngày 26/9/2023 đến 9/10/2023, nguồn Nhà máy nước mặt sông Đuống không đủ điều tiết về Khu đô thị Thanh Hà (do nhu cầu tăng, địa bàn cuối nguồn) nên việc cấp nước cho Khu đô thị Thanh Hà sử dụng toàn bộ nguồn nước ngầm.

Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội tăng khai thác tối đa công suất các nguồn nước ngầm đang quản lý để giảm sử dụng nguồn nước mặt sông Đuống (lượng nước giảm sử dụng của sông Đuống sẽ điều chuyển về Hà Đông cấp cho Khu đô thị Thanh Hà). Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông phối hợp hỗ trợ Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà và Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 để vận hành điều tiết cấp nước cho các khu vực trong Khu đô thị Thanh Hà thông qua trạm tăng áp trong khu đô thị nhằm điều tiết nguồn nước cấp cấp về đây đến các tòa nhà; cấp nước bổ sung bằng xe stec cho những khu vực thiếu nước trong khu đô thị.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải phát biểu tại họp báo.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải phát biểu tại họp báo.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, với sự vào cuộc của các đơn vị chức năng, từ ngày 13 đến 18/10, điều tiết lưu lượng từ 1.000-2.000m3/ngày - đêm từ nguồn tập trung nhưng vẫn xảy ra thiếu nước cục bộ. Từ ngày 19 đến 23/10, đã điều tiết nguồn nước mặt sông Đuống cấp cho Khu đô thị Thanh Hà từ 2.700-3.500m3/ngày - đêm và triển khai cấp nước luân phiên, cấp nước theo giờ và xe stec. Người dân đã được cung cấp nước để sử dụng theo giờ và tích trữ sử dụng trong ngày.

Từ ngày 26/10 đến nay, lưu lượng nguồn nước sạch sông Đuống cấp về Khu đô thị Thanh Hà tiếp tục duy trì từ 5.700m3/ngày - đêm và giảm xuống 3.800m3/ngày - đêm do các bể ngầm, bể mái đã đầy nước. Đến sáng 30/10/2023 việc cấp nước cơ bản ổn định, đơn vị cấp nước phối hợp với ban quản trị tiến hành thau rửa bể định kỳ. Đến nay việc cấp nước cho khu đô thị Thanh Hà đã ổn định; chất lượng nước sạch đầu nguồn cấp về đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng của Bộ Y tế.

Cũng tại buổi họp báo, thông tin về các giải pháp đảm bảo cấp nước cho Khu đô thị Thanh Hà trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, TP đã giao cho Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống, sông Đà phối hợp với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Viwaco điều tiết nguồn cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông để cấp nguồn cho Khu đô thị Thanh Hà với lưu lượng ổn định khoảng 3.500m3/ngày - đêm.

Đồng thời, TP giao các Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao kiểm tra, rà soát, đôn đốc chủ đầu tư các dự án nguồn (các dự án: Nhà máy nước mặt sông Hồng; Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II (Hợp phần 2); Dự án đầu tư xây dựng nâng công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì; Nhà máy nước Xuân Mai tại Hòa Bình...) đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; kịp thời tham mưu, đề xuất, báo cáo TP để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án phát triển nguồn nước hoặc quyết liệt chấm dứt, thu hồi các dự án chậm triển khai, chủ đầu tư không bảo đảm năng lực thực hiện dự án.

TP cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, đôn đốc, giám sát các đơn vị cấp nước trên địa bàn theo kế hoạch cấp nước, phạm vi cấp nước đã được UBND TP chấp thuận, khẩn trương xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng mạng cấp nước đảm bảo đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch 100% từ nguồn nước tập trung của thành phố.

Trong đó, các Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án phát triển mạng cấp nước phục vụ nhân dân, kịp thời tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND TP các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có); báo cáo UBND TP xem xét chấm dứt đối với các nhà đầu tư đã được UBND TP  chấp thuận phân vùng cấp nước nhưng chậm triển khai theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoàn thành trong cuối năm 2023.

Đối với việc cấp nước tại một số khu vực gặp khó khăn về nguồn nước trên địa bàn, TP giao Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã kịp thời có phương án khắc phục, xử lý phù hợp để bảo đảm cung cấp đủ nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; đề xuất UBND TP xem xét đưa vào danh mục đầu tư công đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận nguồn nước tập trung.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nhấn mạnh, các đơn vị cấp nước phải khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình và phương án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, mạng cấp nước theo quy hoạch. Đồng thời, kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án cấp nước, mạng cấp nước theo quy hoạch. Cùng với đó là chủ động các phương án khắc phục khi xảy ra tình hình thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt của Nhân dân...