Cấp phép tạm trông giữ phương tiện: Đề xuất đáng để suy ngẫm

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng trông giữ phương tiện trái phép tại những ô đất trống, dự án chậm triển khai đã và đang làm đau đầu các cơ quan quản lý bởi không chỉ gây thất thoát ngân sách, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT, an ninh trật tự. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hạ tầng giao thông còn hạn chế, nhiều chuyên gia cho rằng, nên chăng cơ quan chức năng cấp phép tạm trong ngắn hạn, vừa tránh thất thoát, vừa dễ bề quản lý.

 Một điểm dừng đỗ phương tiện dưới gầm cầu đường sắt, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa.
Bãi xe “chui” hốt bạc tỷ
Theo thống kê sơ bộ của Công an TP Hà Nội, hiện nay, toàn TP có khoảng 5 triệu xe máy và hơn 500.000 xe ô tô, chưa kể 1,2 triệu phương tiện ở các địa phương khác thường xuyên hoạt động trên địa bàn. Trong khi đó, theo thống kê của Sở GTVT, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn TP mới chỉ đáp ứng khoảng 8 - 10% nhu cầu, dẫn tới nhiều điểm trông giữ xe không phép đã mọc ra.
Theo thống kê của Sở GTVT, năm 2017, nguồn thu ngân sách Nhà nước từ các bãi trông giữ xe trên địa bàn TP khoảng 54 tỷ đồng. 
Do cung không đủ đáp ứng cầu, người dân buộc phải tìm đến các bãi đỗ xe không phép, bãi xe "chui" tại những ô đất trống, dự án, thậm chí là trong các trụ sở của cơ quan, bệnh viện, trường học… để gửi xe. Chỉ cần làm một phép tính, với khoảng 90 – 92% số lượng phương tiện - tương đương 4,5 triệu xe máy, 450.000 xe ô tô gửi tại những nơi không phép, với mức phí trung bình khoảng 1 triệu đồng/năm với xe máy và 10 triệu đồng/năm đối với ô tô, các bãi đỗ xe “chui” có lẽ đã “đút túi” cả trăm tỷ đồng mỗi năm mà không phải đóng bất cứ một khoản thuế nào. Không chỉ gây thất thoát về ngân sách, việc tồn tại của các bãi xe “chui”, không phép còn tiềm ẩn rất nhiều rủi do về PCCC, an ninh trật tự và quyền lợi của chính những chủ xe khi chẳng may có sự cố xảy ra.
 Một bãi xe không phép trên đường Trần Thủ Độ, quận Hoàng Mai. Ảnh Công Trình

Nên linh hoạt?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thăng Long – Chủ tịch UBND phường Định Công, quận Hoàng Mai cho rằng, để khắc phục tình trạng này, về lâu dài, các đơn vị chức năng cần khẩn trương xây dựng các điểm đỗ xe ngầm, đỗ xe trên cao để đảm bảo nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp có thể thực hiện ngay trong ngày một ngày hai. Trước mắt, nên chăng các cơ quan chức năng linh động, tận dụng các ô đất trống, dự án chậm triển khai để tổ chức cấp phép tạm trông giữ phương tiện, tránh thất thoát ngân sách.

Đồng quan điểm trên, lãnh đạo một số Đội Thanh tra GTVT trên địa bàn TP cho rằng, đây là việc làm cần thiết tại thời điểm này. Bởi, nếu cho tổ chức thí điểm thực hiện, ngoài việc ngân sách có thêm nguồn thu, sẽ hạn chế được những rủi ro về cháy nổ, mất an ninh trật tự... có thể xảy ra.
“Đối với các bãi đất trống, đất dự án chưa xây dựng nên xem xét cấp phép tạm thời từ 3 – 6 tháng, để đáp ứng nhu cầu của người dân ngày một tăng. Mặt khác, khi đã được cấp phép, chủ các bãi xe sẽ có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo ATGT, phòng cháy, chữa cháy” – lãnh đạo một đội Thanh tra GTVT cho hay.

Xung quanh vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, hiện nay, có 2 cấp chịu trách nhiệm cấp phép trông giữ phương tiện là Sở GTVT và UBND cấp quận, huyện. Trong đó, theo phân cấp, Sở GTVT cấp phép dưới lòng đường, UBND các quận, huyện cấp phép tại vỉa hè, các ô đất trống thuộc quyền quản lý. Thế nhưng, trên địa bàn TP, nhiều khu vực, ô đất thuộc quyền quản lý của các bộ ngành, cơ quan T.Ư, nên rất khó để Hà Nội quản được ở những khu vực này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần