Nếu bỏ qua các khoảng trống này không thu gom quản lý, cấp phép trông giữ xe tạm sẽ lãng phí một nguồn lực hạ tầng vô cùng quan trọng, đồng thời để vuột mất nguồn vốn đầu tư khổng lồ cho giao thông tĩnh.
Hệ lụy ngay trước mắt
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết: “Hà Nội đã có gần 8 triệu phương tiện. Quy hoạch giao thông tĩnh hiện mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu đỗ xe; các dự án bãi đỗ xe ngầm, cao tầng của TP đang trong tình trạng ngưng trệ, rất ít các dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng”.
Thực tế đó dẫn đến những hệ lụy vô cùng phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý đô thị, đảm bảo trật tự, ATGT của TP. Tình trạng dừng đỗ xe tràn lan gây cản trở giao thông; bãi đỗ xe tự phát tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ, mất an ninh, trật tự diễn ra ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô.
Trong khi đó, TP còn rất nhiều khoảng trống đô thị có thể tận dụng để trông giữ xe trong ngắn hạn, tạm thời đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời khơi thông một nguồn lợi không hề nhỏ cho công tác đầu tư hạ tầng, nhưng lại chưa được tính toán, thực hiện bài bản. Đó là những ô đất đã có dự án xây dựng nhà ở, công viên… nhưng chậm triển khai; hoặc đất thuộc quyền sử dụng của cá nhân, tổ chức còn bỏ không.
Vướng nhiều rào cản pháp lý, thiếu chính sách, cơ chế khai thác, những khoảng trống này đang bị tư nhân khai thác thu lợi riêng, gây rối loạn trật tự đô thị. Thực trạng đó cũng cho thấy sự lãng phí tới hai lần của Hà Nội trong bối cảnh nhu cầu giao thông tĩnh bức thiết như hiện nay.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành phân tích: “Đất trống để không có khi tới hàng chục năm, trong khi người dân thiếu chỗ đỗ xe là lãng phí tài nguyên đất. TP không cấp phép nhưng nhiều nơi vẫn mọc lên bãi xe của tư nhân, tiền thu được chảy vào túi riêng, trong khi TP thiếu vốn đầu tư cho chính hạ tầng giao thông tĩnh là lãng phí nguồn lực của kinh tế giao thông”.
Không chỉ lãng phí nguồn lực, TP còn đang phải đối diện với những vấn đề rất phức tạp khác. Ví dụ như việc để phát sinh bãi trông giữ xe lậu trên đất dự án chậm triển khai, đất lưu không, dẹp thì người dân mất chỗ gửi xe, bức xúc với chính quyền, không dẹp thì xảy ra cháy nổ, mất an ninh trật tự, cơ quan quản lý địa phương lại phải chịu trách nhiệm.
Hơn nữa việc xử lý các bãi xe lậu hình thành trên đất để không còn khó hơn diệt cỏ dại, nay dẹp mai lại mọc, phạt xong tiếp tục tái diễn. Thạc sĩ Phan Trường Thành nhận định: “Nhu cầu của người dân là có thực và quá bức thiết. Chẳng ai muốn gửi xe vào bãi lậu vừa bất ổn, vừa bị ép phải trả giá cao hơn quy định của TP. Nhưng không gửi vào đó thì để ở đâu cho an toàn, thuận tiện? Chừng nào nhu cầu của người dân vẫn còn thì bất chấp lực lượng chức năng xử phạt bao nhiêu lần, bãi xe lậu vẫn sẽ tìm cách tái diễn trở lại”.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, nhiệm vụ triệt xóa các bãi xe lậu trên đất để trống là nhiệm vụ bất khả thi. Thậm chí có nơi lực lượng chức năng còn cố tình làm ngơ cho bãi lậu tồn tại để đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời hình thành lợi ích nhóm. Nguồn tiền thu được từ các điểm trông giữ xe tạm thời này lẽ ra đã giúp ích đắc lực cho TP trong đầu tư hạ tầng thì lại bị thâu tóm, làm giàu cho một vài cá nhân.
“Đã đến lúc Hà Nội cần nghiên cứu, xây dựng một hệ thống cơ chế, chính sách bài bản, chặt chẽ để cấp phép trông giữ xe tạm trong những khoảng trống đô thị. Thay vì chật vật với hệ lụy, TP có thể coi đó là tài nguyên để tận dụng, giải quyết khó khăn trong ngắn hạn, đồng thời tăng cường nguồn lực cho kế hoạch đầu tư hạ tầng giao thông tĩnh dài hạn” - Thạc sĩ Phan Trường Thành nói.
Tính khả thi cao
Không chỉ người dân và các chuyên gia đồng tình với việc tận dụng đất trống để làm điểm trông giữ xe tạm, mà ngay chính quyền các địa phương cũng cho rằng phương án này là khả thi và cấp bách.
Bí thư Đảng ủy phường Định Công, quận Hoàng Mai Nguyễn Anh Tuấn nói: “Đề nghị TP quan tâm nghiên cứu và chỉ đạo, tạo điều kiện các đơn vị chức năng rà soát, cấp phép tạm trông giữ xe tại các lô đất dự án chưa triển khai để giải quyết nhu cầu cấp thiết của Nhân dân”.
Tương tự, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho rằng: “Hiện chưa có quy định hướng dẫn cấp phép điểm trông giữ xe tạm tại các khu đất đã giao cho các tổ chức, cá nhân lập dự án. Đây cũng không phải đất sử dụng vào mục đích giao thông, nhưng để đáp ứng nhu cầu thực tế ngày càng cấp bách của Nhân dân, có thể cấp phép tạm trông giữ xe”.
Với vai trò quản lý địa phương, hơn ai hết cấp quận, huyện, phường, xã là sâu sát thực tế nhất. Tình trạng các ô đất đã có dự án nhưng chậm triển khai nhiều năm đang là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hình thành bãi xe lậu, lấn chiếm kinh doanh tự phát, tập kết phế thải… khiến chính quyền địa phương “đau đầu”, người dân bức xúc.
Nếu đưa vào quản lý, phân loại, cấp phép tạm để làm điểm trông giữ xe, nộp thuế phí cho Nhà nước, sẽ giải quyết cùng lúc rất nhiều khó khăn trong quản lý đô thị.
Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương nhận định, TP đang phải đối diện với hai câu hỏi lớn là: Làm sao để vượt qua rào cản pháp lý, cấp phép trông giữ xe tạm trên đất để không(?). Và quản lý như thế nào, thu thuế phí như thế nào đối với các điểm trông giữ này khi đã cấp phép(?).
“Không dễ để tháo gỡ rào cản pháp lý, đưa ra kịch bản quản lý trong thời gian ngắn trước mắt. Nhưng TP cần đặt quyết tâm vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, không thể tiếp tục lãng phí nguồn lực hơn nữa” - Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Phương nói.
Theo nhiều chuyên gia, trước hết TP cần phân loại đất trống. Những nơi đã có dự án, nhưng chậm triển khai, UBND quận, huyện sẽ làm cầu nối giữa DN trông giữ xe với chủ đầu tư, lập thỏa thuận thuê mượn đất phục vụ giao thông tĩnh, nguồn lợi chia cho cả ba bên. Những khu vực đất thuộc quyền sử dụng của cá nhân, tổ chức còn để không thì chính quyền địa phương cấp phép cho trông giữ xe tạm với điều kiện phải đảm bảo tổ chức giao thông và PCCC, có nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước.
Việc cấp phép trông giữ xe tạm trên đất trống là một trong những lời giải tối ưu cho bài toán thiếu hạ tầng hiện nay. Tuy nhiên TP cũng cần thận trọng, lựa chọn một vài địa phương thí điểm để thấy rõ lợi hại, có sự điều chỉnh phù hợp rồi mới nhân rộng ra toàn địa bàn.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành