Cấp phù hiệu cho taxi ngoại tỉnh: Kiên quyết thực hiện theo quy hoạch

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xe taxi đăng ký ngoại tỉnh nhưng hoạt động chủ yếu trên địa bàn Hà Nội gây ảnh hưởng lớn đến quy hoạch, cũng như công tác quản lý vận tải của Thủ đô.

Khó cũng phải làm

Ông Nguyễn Tuyển - Trưởng phòng Quản lý vận tải - Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc taxi ngoại tỉnh hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Dù Nghị định 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định rõ, các đơn vị vận tải đăng ký trên địa bàn tỉnh nào thì phải hoạt động tối thiểu 70% trên địa bàn đó, song một số đơn vị vận tải vẫn lợi dụng kẽ hở của pháp luật để hoạt động.
“Khi Sở GTVT không đồng ý tăng xe vì số lượng hiện tại đã đáp ứng được nhu cầu của Hà Nội, đã thực hiện theo quy hoạch thì các đơn vị lại ra tỉnh ngoài đăng ký rồi đưa xe quay lại Hà Nội hoạt động” - ông Nguyễn Tuyển nói.
Taxi hoạt động trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Trước tình hình đó, Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu Thanh tra Sở phối hợp với lực lượng công an tăng cường kiểm tra, xử lý. Đồng thời đề nghị UBND TP Hà Nội có ý kiến với UBND các tỉnh lân cận, Bộ GTVT ý kiến với Sở GTVT có đơn vị thường xuyên đưa xe vào TP Hà Nội, yêu cầu phải xử lý nghiêm. Thực tế, việc xử lý vẫn gặp nhiều khó khăn do Sở GTVT các tỉnh chưa có phần mềm giám sát.
“Nhiều vấn đề còn đang khó khăn nhưng không phải vì thấy khó mà không làm” - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long khẳng định.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, đơn vị đã mời các Sở GTVT liên quan để đề nghị rà soát, xử phạt các DN không chấp hành quy định đồng thời kiến nghị Tổng cục Đường Bộ, Bộ GTVT hoàn thiện tính năng tra cứu để xử lý có hiệu quả theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
“DN đăng ký ở địa phương nào thì phải phục vụ tối thiểu 70% tại địa phương đó. Hà Nội không ngăn sông cấm chợ. Hiện chúng tôi đang tổng hợp danh sách các đơn vị đăng ký trên địa bàn TP để cùng các tỉnh lân cận có thống kê rõ ràng, đảm bảo cho công tác quản lý” - ông Đào Việt Long nói.

Số lượng phương tiện phải phù hợp với hạ tầng

Vừa qua, 8 DN vận tải hành khách bằng xe dưới 9 chỗ, loại hình kinh doanh xe taxi ở một số tỉnh lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên... có đơn gửi đến Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, UBND TP Hà Nội. Trước khi Nghị định 10/2020 và Thông tư 12/2020 chuẩn bị có hiệu lực, các đơn vị đã chủ động liên hệ với Sở GTVT để được hướng dẫn việc cấp phù hiệu xe taxi tại Hà Nội cho những xe taxi thường xuyên hoạt động. Sau đó, Sở GTVT Hà Nội không chấp thuận đề nghị cấp phù hiệu vì lý do TP không mở mới đối với xe taxi vì hiện lượng xe đã đủ phục vụ.

Tuy nhiên, các DN lại cho rằng, TP Hà Nội cấm mở mới hãng taxi nhưng lại cho mở mới xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Loại hình này hoạt động như taxi truyền thống và phát triển rất nhanh. Điều này không phù hợp với quy hoạch của TP. Do đó, 8 DN này đề nghị cơ quan quản lý rà soát lại văn bản quy phạm pháp luật, văn bản nào không còn phù hợp với thực tế thì nên xóa bỏ để tháo nút thắt cho các DN taxi phát triển bình đẳng. Thế nhưng, đáng nói là trong đơn mà các DN gửi đến cơ quan quản lý, không có nội dung nào nhắc đến sự phục vụ đối với nhu cầu hành khách, nơi mà các DN này đăng ký hoạt động.

Phó Giám đốc Sở GTVT Đào Việt Long cho biết: "Vừa qua, một số DN taxi đề nghị được Hà Nội cấp phù hiệu để hợp thức hóa xe ngoại tỉnh nhưng quan điểm của chúng tôi là số lượng phương tiện phải tuân thủ theo kế hoạch phát triển vận tải công cộng của TP và phải phù hợp với điều kiện của hạ tầng".

"Hiện nhiều đơn vị tìm cách lách luật hoạt động ở Hà Nội ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông đô thị, phá vỡ quy hoạch vận tải." - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần