Cấp, quản lý mã số vùng trồng: Mở rộng cánh cửa xuất khẩu cho nông sản Việt Nam

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng vùng trồng gắn liền với cấp mã số vùng là xu hướng tất yếu của các thị trường nhập khẩu. Đây cũng là một tiêu chuẩn quan trọng để được hưởng những ưu đãi về thuế suất từ các hiệp định thương mại tự do. Do đó, việc cấp, quản lý mã số vùng trồng cần phải được ưu tiên trong hàng loạt giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng 

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) tính đến hết tháng 11/2021, Cục đã cấp hơn 3.500 mã số vùng trồng cho trái cây, rau, hạt giống xuất khẩu. Trong đó chủ yếu là cấp mã số vùng trồng cho 12 loại trái cây thuộc diện tích hợp tác xã (HTX), DN tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Cần Thơ, Bến Tre...

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết, việc xây dựng mã số vùng trồng đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, DN và cán bộ quản lý địa phương trong ghi nhật ký sản xuất, theo dõi chặt quá trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất. Qua đó, mang lại hiệu quả tích cực trong khả năng cạnh tranh của nông sản xuất khẩu, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững. 

Chia sẻ về lợi ích của việc được cấp mã số vùng trồng, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) Phùng Văn Hội cho hay: "Từ khi được cấp mã số vùng trồng gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, sản phẩm chanh không hạt của HTX đã xuất khẩu thuận lợi sang nhiều thị trường. Hiện, 60% sản lượng chanh được xuất sang Trung Quốc và các nước Trung Đông, 40% còn lại là tiêu thụ tại thị trường nội địa với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg. Nhờ đó, uy tín của HTX được nâng cao, các thành viên của HTX yên tâm sản xuất và nâng cao thu nhập".

Vùng nhãn chín muộn của huyện Hoài Đức đã được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Ánh Ngọc

Tại Hà Nội, một số hộ trồng nhãn chín muộn ở 2 huyện Hoài Đức và Quốc Oai cũng đã được cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn của thị trường Hoa Kỳ. Việc cấp mã vùng trồng đã mở cánh cửa xuất khẩu cho nhãn chín muộn của Thủ đô sang thị trường Mỹ, Ba Lan, Malaysia, Australia… Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, sau nhãn chín muộn, Sở đang đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng cho vùng lúa hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, vùng trồng chuối tại huyện Ba Vì và khảo sát, nghiên cứu một số loại hoa có thế mạnh xuất khẩu tại huyện Mê Linh để sớm xây dựng mã số vùng trồng.

Siết chặt hoạt động giám sát, quản lý

Để đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, những năm gần đây, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều hoạt động liên quan đến việc cấp mã số cũng như kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản. Tuy nhiên, việc cấp và quản lý mã số này tại nhiều địa phương còn lỏng lẻo; công tác kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa được chú trọng; quá trình xử lý các vấn đề liên quan còn nhiều bất cập.

Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng cho vùng lúa hữu cơ huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ánh Ngọc

Tồn tại này đã dẫn đến tình trạng một số DN sử dụng không đúng mã số, mua sản phẩm ở vùng chưa được cấp mã trà trộn với sản phẩm vùng trồng đã được cấp mã để xuất khẩu. Đơn cử như, việc một số lô hàng nông sản bị cơ quan quản lý chuyên ngành nước nhập khẩu “tuýt còi” cảnh báo, hay mới nhất là vào tháng 6/2021 xảy ra tình trạng mạo danh xoài Đồng Tháp để xuất khẩu sang Trung Quốc, bị phía đối tác dừng nhập khẩu. Điều này càng cho thấy, siết chặt hoạt động giám sát, quản lý các vùng trồng, cơ sở đóng gói là việc làm cấp thiết.

Nhiều chuyên gia nhận định, nếu không đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu, nông sản Việt Nam không thể xây dựng được thương hiệu tại các thị trường quốc tế. Và nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng vi phạm, nguy cơ mất thị trường xuất khẩu là rất lớn. Do đó, ngành nông nghiệp và các địa phương cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng việc quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, từ đó có giải pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh phù hợp.

Nói về giải pháp nâng cao hoạt động quản lý mã số vùng trồng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, song song với việc thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị sản phẩm từ vùng trồng đến đóng gói, xuất khẩu, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương triển khai hiệu quả việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu chính ngạch, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch. Cùng với đó, tăng cường trao đổi thông tin với cơ quan có trách nhiệm của nước nhập khẩu nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, giảm thiểu rủi ro cho nông sản xuất khẩu.

Về phía các DN, hợp tác xã cần có nhận thức đúng về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín, thương hiệu trên thị trường. Từ đó chủ động liên kết với vùng trồng, bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng cao; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất khẩu, không để tình trạng mạo danh mã số cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến việc sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sản phẩm.

Để nâng cao số diện tích đăng ký mã vùng trồng, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, thiết lập và quản lý mã số đối với vùng trồng, cơ sở đóng gói; đưa việc thiết lập vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số vào chỉ tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan