Cách đây 2 tháng, tuyến biển APG đã gặp trục trặc ở nhánh S1.7. Các vấn đề liên tiếp xảy ra khiến dung lượng kết nối hướng Việt Nam đi Singapore vẫn chưa phục hồi hoàn toàn kể từ sau sự cố chính diễn ra vào cuối năm 2022.
Theo đúng lịch trình cũ, việc khắc phục nhánh S1.7 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 8, đầu tháng 9. Tuy nhiên, đơn vị quản lý vừa phát hiện thêm lỗi mới khiến lịch sửa chữa tuyến này phải lùi lại và chưa đưa ra được thời gian hoàn thành cụ thể.
Dù vậy, tác động của lần này đến người tiêu dùng là không đáng kể do các ISP trong nước đã có phương án khắc phục, san tải và chuyển hướng lưu lượng qua các tuyến cáp quang trên đất liền kể từ sau đợt đứt cả năm tuyến cáp biển hồi đầu năm.
Hiện tại, có năm tuyến cáp quang biển làm nhiệm vụ kết nối internet Việt Nam đi quốc tế, bao gồm AAG (châu Á - Mỹ); APG (châu Á - Thái Bình Dương); SMW-3 (Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu); IA (Liên Á) và AAE-1 (châu Á - châu Phi - châu Âu).
Trong đó, tuyến cáp quang biển APG đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016, chiều dài khoảng 10.400 km, được đặt ngầm dưới Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps.
Từ đầu năm 2023 tới nay, đây là lần thứ tư tuyến APG gặp sự cố. Các lần trước diễn ra vào tháng 1, 3 và 6. Hiện tại đây là tuyến cáp duy nhất chưa khắc phục xong lỗi. Còn IA, AAG, AAE-1 và SMW3 hiện đã vận hành ổn định trở lại.
Cáp biển APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom và được đánh giá là tuyến cáp góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng internet tại Việt Nam.