Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp thiết cải cách thể chế

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 6 tháng đầu năm 2019, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, thương mại toàn cầu giảm... đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam khi nền kinh tế có độ mở lớn.

Ngoài ra những tác động từ biến đổi khí hậu, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tác động đến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, kết quả tăng trưởng GDP 6,76%, xuất siêu hơn 1,6 tỷ USD... được coi là những nỗ lực không nhỏ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những hạn chế cũng hiện rõ hơn đòi hỏi sự cấp thiết trong cải cách thể chế.
Nêu bật những kết quả đạt được trong bức tranh kinh tế - xã hội tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 (ngày 4/7), song Chính phủ không coi đó là thành tích. Cùng với những kết quả đạt được, Chính phủ cũng đã chỉ ra một loạt các vấn đề tồn tại cần tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.
Thủ tướng nêu hàng loạt vấn đề mà ông cho rằng "ai cũng thấy" như vấn đề Luật Quy hoạch, nghị định về BT, vấn đề sân golf, tiêu chí trong các đơn vị sự nghiệp công, chậm giải ngân vốn ODA… Đặc biệt, những điểm nghẽn như giải ngân vốn đầu tư công, thách thức hội nhập, sức khỏe của DN lại ở nguyên nhân chủ quan là nhiều.
Đơn cử như tại Bộ Công Thương, nơi hướng dẫn các DN nắm bắt xu hướng hội nhập quốc tế thì kiểm tra chuyên ngành lại đang gây khó khăn cho DN. Ví dụ, các điều kiện kiểm soát hàm lượng formaldehyde và các amin thơm trong sản phẩm dệt may; quy định cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn, làng du lịch...) đã được xếp hạng, gắn sao phải có giấy phép kinh doanh rượu... Những bất cập này đã được kiến nghị sửa nhiều lần nhưng chưa được giải quyết.
Như Nghị định về sử dụng tài sản công thanh toán cho các dự án đối tác công - tư (PPP) Bộ Tài chính triển khai chậm. Thủ tục hành chính còn chồng chéo, bất cập, gây khó khăn trong quản lý, điều hành và hoạt động của DN. Các vướng mắc chậm được tháo gỡ, nhất là thủ tục phân bổ, triển khai đầu tư, giải ngân vốn, lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch... đòi hỏi Bộ KH&ĐT cần sớm hướng dẫn ban hành triển khai Luật Quy hoạch…
Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cũng nêu rõ, công tác xây dựng thể chế, hoạch định chính sách còn có những điểm yếu; việc xây dựng văn bản hướng dẫn chậm, thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong quản lý, điều hành, thực thi; việc thực hiện Quy chế làm việc và kỷ luật, kỷ cương chưa thực sự nghiêm túc.
Từ những đánh giá trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ trích mạnh mẽ tình trạng chậm cải cách thể chế, tình trạng "nói hay làm dở, làm chậm, trách nhiệm thấp, để người dân kêu ca, chờ đợi". Đồng thời nhấn mạnh, cần nhìn nhận nghiêm túc để tìm giải pháp khắc phục trong 6 tháng cuối năm. Người đứng đầu các cơ quan phải sâu sát, quyết liệt. Nhiệm vụ phải thực hiện trong 6 tháng cuối năm là hết sức nặng nề, không giải quyết vấn đề này đồng nghĩa với chấp nhận tụt hậu. Chậm cải cách đồng nghĩa với kìm hãm phát triển, vì thế không thể chậm hơn nữa.