Cấp thiết mở rộng Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất hạn chế là nguyên nhân khiến công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) của Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Việc mở rộng trung tâm là yêu cầu cấp thiết cần được TP quan tâm đẩy nhanh tiến độ.

Trung tâm cứu hộ đa loài lớn nhất Việt Nam

Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội là đơn vị duy nhất trên toàn quốc có chức năng cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản ĐVHD. Đồng thời, tổ chức nghiên cứu khoa học, phục vụ tham quan, học tập, quan hệ trong nước và quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn, trao đổi, cung cấp ĐVHD các thế hệ sau (F2).

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng tái thả rùa đầu to về môi trường tự nhiên. Ảnh: Hoàng Hà
Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng tái thả rùa đầu to về môi trường tự nhiên. Ảnh: Hoàng Hà

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong hơn 25 năm qua, Trung tâm đã tổ chức tiếp nhận cứu hộ 1.387 vụ với trên 100 loài, bao gồm: 32.397 cá thể động vật hoang dã và hơn 6.000kg rắn các loại từ các cơ quan chức năng trên cả nước trong quá trình bắt giữ, tịch thu từ các vụ buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt trái phép và do người dân tự nguyện giao nộp, hiến tặng để cứu hộ.

Do vậy, mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận 50 vụ với trên 1.000 cá thể ĐVHD các loại. Trong đó, có nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao như: Hổ, gấu, vượn đen má trắng, chim Hồng Hoàng, hạc cổ trắng…

Sau cứu hộ, Trung tâm đã thực hiện tái thả ĐVHD về tự nhiên 164 lượt với 21.000 cá thể và hơn 2.500kg rắn các loại tại Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội), Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai)... Trong đó, Trung tâm đã cứu hộ và tái thả thành công nhiều loài ĐVHD quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao như: Tê tê java, rùa đầu to, rắn hổ mang chúa...

Bên cạnh đó, Trung tâm đã nhân nuôi sinh sản được 91 cá thể ĐVHD, gồm: 29 cá thể hổ; 2 cá thể vượn đen má trắng; 2 cá thể hạc cổ trắng; 7 cá thể chim Công; 48 cá thể khỉ đuôi dài; 2 cá thể cầy vòi hương; 1 cá thể khỉ đuôi lợn.

Song song với công tác cứu hộ, bảo tồn, Trung tâm cũng thực hiện tốt công tác chuyển giao ĐVHD sau cứu hộ nhằm phục vụ nghiên cứu, tham quan, học tập giáo dục cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ các loài ĐVHD.

Trung tâm đã tổ chức chuyển giao 125 vụ với 3.388 cá thể và 381kg rắn các loại cho các vườn quốc gia và trung tâm cứu hộ như: Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Công ty TNHH Một thành viên Vườn thú Hà Nội.

Ngoài ra, Trung tâm còn hợp tác với các tổ chức như: Vườn quốc gia Cúc Phương; Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam; Trung tâm Cứu hộ ĐVHD nước Việt (FB Việt)... để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ tài chính cho công tác cứu hộ ĐVHD.

Cần sớm triển khai mở rộng diện tích lên 12ha

Mặc dù thực hiện khối lượng công việc lớn nhưng Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, do cơ sở vật chất chuồng trại chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, khu vực chăm sóc, cứu hộ chật hẹp.

Một cá thể gấu được chăm sóc, cứu hộ tại Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc
Một cá thể gấu được chăm sóc, cứu hộ tại Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc

Bác sĩ thú y Trịnh Thị Thu Hằng cho biết, hiện Trung tâm chỉ có diện tích 1ha nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chăm sóc, cứu hộ ĐVHD. Đơn cử như khu vực nuôi nhốt gấu, hổ, khỉ… chỉ có diện tích 70 - 100m2 khiến chúng không có không gian vận động, mất đi tập tính hoang dã của động vật.

Trong khi đó, chỉ khi động vật được chăm sóc trong không gian rộng, gần gũi với thiên nhiên thì khi tái thả về rừng, động vật mới thích nghi nhanh. Việc mở rộng diện tích thực sự là vấn đề bức thiết đã được đặt ra trong nhiều năm qua, bởi chỉ như vậy thì hoạt động chăm sóc, cứu hộ ĐVHD của Trung tâm mới đạt hiệu quả cao nhất. Còn như hiện nay mới giải quyết được một phần trong chuỗi hoạt động chăm sóc, cứu hộ ĐVHD.

“Việc mở rộng Trung tâm cùng với tăng cường thông tin trực quan về các loài ĐVHD sẽ thúc đẩy phát triển du lịch, hỗ trợ hoạt động nâng cao nhận thức cũng như tạo điều kiện cho những chương trình trao đổi quốc tế và xin tài trợ cho hoạt động của Trung tâm, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước” - bác sĩ thú y Trịnh Thị Thu Hằng chia sẻ.

Nhận thấy nhu cầu bức thiết, năm 2020 đã có 16 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn tại Việt Nam, kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai thực hiện dự án mở rộng Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội cũng như nâng cao khả năng và chất lượng cứu hộ ĐVHD tại Việt Nam.

Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng cho hay, ngày 31/10/2012, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 xây dựng mở rộng Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội lên 12ha.

 

Để dự án mở rộng Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội sớm được triển khai, rất cần sự hỗ trợ tích cực của các sở, ngành TP, đặc biệt từ UBND huyện Sóc Sơn trong việc xử lý, giải tỏa các vi phạm trên phần diện tích quy hoạch mở rộng Trung tâm.

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng

Năm 2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 4482/UBND-KT, trong đó đồng ý về mặt nguyên tắc mở rộng Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội để tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ tại chỗ cũng như nuôi bán hoang dã các loài động vật tại đây. Đặc biệt, đầu tháng 4/2022, HĐND TP đã biểu quyết thông qua dự án mở rộng Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội.

“Đây là tin vui với những người có trách nhiệm, đang gắn bó với nơi đây, để có cơ sở tin rằng những mong muốn bấy lâu nay của họ sắp thành hiện thực. Nếu hoàn thành sớm việc mở rộng không những tốt cho hoạt động nuôi nhốt, chăm sóc mà còn có khả năng mở ra nhiều hướng phát triển khác cho Trung tâm, đặc biệt về phát triển du lịch. Từ đó, tạo nguồn thu đáng kể để tái đầu tư cho hoạt động của Trung tâm” - ông Lương Xuân Hồng bày tỏ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần