Vừa qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam tổng kiểm tra vận hành cụm công trình. Đánh giá quá trình vận hành đập Đáy không chịu áp lực nước, tất cả 6 cửa van đều xuất hiện tiếng kêu to. Do được xây dựng từ lâu nên kết cấu thép cửa van một số vị trí bị gỉ rỗ. Vật liệu thép cửa van cũng không đồng bộ.
Bên cạnh đó, 12 cụm puly hố thế thượng lưu đập Đáy bị kẹt không hoạt động; những puly này được thiết kế bôi trơn bằng nước, nhưng do không có lũ lớn trong thời gian dài nên không có nước để bôi trơn. Giăng cao su tấm 2 đầu cửa van cũng bị lão hóa đến rạn nứt. Trong khi đó, tại vị trí các tấm thép nền cửa thuộc cống Vân Cốc, phần lớn đã bị ăn mòn. Chân tấm thép khe phai ở hầu hết cửa van đã bị han gỉ. Hệ thống thủy lực đóng mở cống Cẩm Đình sau 12 năm đưa vào hoạt động hiện cũng đã bị han gỉ, xuống cấp nghiêm trọng...
Cụm công trình đầu mối phân lũ sông Đáy được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có nhiệm vụ chủ động đưa nước sông Hồng vào sông Đáy trong mùa kiệt với lưu lượng tối đa 100m3/s; đưa nước thường xuyên trong mùa lũ với lưu lượng tối đa 450m3/s nhưng không làm ngập các bãi sông, không làm ảnh hưởng tới tiêu nước mùa mưa. Đồng thời, thoát được lưu lượng tối đa 2.500m3/s khi xuất hiện lũ lớn có chu kỳ lặp lại hơn 500 năm trên hệ thống sông Hồng. |
Để bảo đảm hoạt động của cụm công trình đầu mối phân lũ sông Đáy về lâu dài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương đề nghị UBND TP Hà Nội, Bộ NN&PTNT quan tâm, bố trí kinh phí thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp đập Đáy và cống Vân Cốc với tổng kinh phí khoảng 280 tỷ đồng.
Cùng với tu sửa các hạng mục có dấu hiệu xuống cấp, ông Khương cũng đề xuất TP cho phép Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng đề án, kịch bản để tổ chức diễn tập vận hành chuyển lũ 2.500m3/s thử tải cụm công trình trong điều kiện có nước. Đây được xem là giải pháp hết sức quan trọng nhằm lên phương án sẵn sàng ứng phó trong trường hợp lũ lớn xảy ra trên sông Hồng.