Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh nhân và quyết định thời gian kê đơn, cấp thuốc phù hợp cho người bệnh.
Đây là thông tin được rất nhiều người hoan nghênh, bởi có bệnh phải đi khám hằng tháng sẽ thấy điều này có ý nghĩa như thế nào.
Một bệnh nhân giấu tên kể: “Tôi bị tiểu đường, huyết áp cao, mỡ máu… Khi đi đến bệnh viện khám theo chế độ bảo hiểm y tế, mấy tháng đầu tôi thường được đo huyết áp, xét nghiệm máu, đo diện tim… Nhưng các tháng sau, chủ yếu là nhận thuốc. Nhưng do bệnh nhân đông nên phải xếp hàng lấy số từ sáng, có khi đến chiều mới đến lượt rất mệt mỏi…”.
Đó là tình trạng chung của nhiều người đi khám bảo hiểm y tế. Nhiều người nói rằng, không có lý do gì khi đi khám, bác sĩ gần như chỉ hỏi vài câu rồi mở máy tính ra xem và kê đơn thuốc như cũ nhưng cứ phải đến thường xuyên.
Việc kéo giãn thời gian cấp thuốc cũng sẽ giảm tải ở nhiều bệnh viện, bởi đơn giản mỗi buổi khám sẽ giảm được một nửa, thậm chí hai phần ba, số người đợi khám.
Điều đáng nói là, đề xuất nói trên lẽ ra được thực hiện thí điểm ở một vài bệnh viện tại Hà Nội từ đầu tháng 10 năm nay. Các bệnh viện sẽ thí điểm trong vòng 6 tháng, sau đó Bộ Y tế sẽ có đánh, giá, tổng kết rồi đưa vào Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định về kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú một cách phù hợp. Tuy nhiên, các bệnh viện vẫn đang phải chờ quyết định và hướng dẫn mới từ Bộ Y tế nên chưa làm thí điểm được.
Suy cho cùng, người bệnh có quyền lợi về bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm y tế, là do chính sự đóng góp của họ về mặt tài chính.
Do đó, chính sách bảo hiểm, ngoài việc bảo đảm quỹ không bị lợi dụng, cần hướng tới lợi ích cho người bệnh. Việc tìm cách giúp người bệnh dễ dàng hơn trong việc nhận được quyền lợi (có thuốc điều trị) dễ dàng là điều cần nghĩ tới, bởi lâu nay nỗi khổ khi đi khám bảo hiểm đã được báo chí nhắc nhở nhiều. Kéo dài thời gian cấp phát thuốc từ 1 tháng lên 3 tháng khi bệnh mãn tính đã được điều trị ổn định là việc nên triển khai càng sớm càng tốt.
Điều không đáng lo về hiệu quả điều trị đó là: chỉ định cho thuốc kéo dài trong bao lâu phụ thuộc vào quyết định của bác sĩ điều trị. Chính bác sĩ với quy định mới kéo dài ngày cho thuốc sẽ có tiếng nói cuối cùng, phù hợp với quy trình khám và điều trị bệnh, đề cao hơn nữa trách nhiệm của thầy thuốc điều trị,
Khám bảo hiểm là một trong những chính sách ưu việt của nước ta. Chính sách này ngày càng phải được bao phủ rộng hơn, đến mọi tầng lớp người dân. Do đó, chúng ta lại càng cần cho nó trở nên cần thiết với người dân hơn, trong đó có việc bớt thời gian đi khám và chờ đợi không cần thiết.