Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp tiểu học, lớp 6 ngoại thành đi học: Có lo lắng nhưng rất quyết tâm!

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/2, Đoàn công tác Sở GD&ĐT Hà Nội cùng UBND huyện Quốc Oai đã đi kiểm tra công tác tổ chức dạy học trực tiếp từ lớp 1 đến lớp 6 ngoại thành tại các trường: Tiểu học Sài Sơn A, THCS Sài Sơn, THPT Phan Huy Chú (huyện Quốc Oai).

Thực hiện Công văn hướng dẫn của Sở, của huyện, Phòng GD&ĐT huyện Quốc Oai đã chỉ đạo các nhà trường đến trường 1 buổi/ngày và bố trí 50% số lớp đi học mỗi buổi để đảm bảo công tác phòng dịch; tại khu vực cổng và sân các trường đều có nước rửa tay, máy đo thân nhiệt tự động hoặc cán bộ làm nhiệm vụ; dây phân làn đường để chỉ dẫn học sinh lên lớp học.

Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Sài Sơn A, huyện Quốc Oai đi học sáng 10/2
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Sài Sơn A, huyện Quốc Oai đi học sáng 10/2

Hiệu trường trường Tiểu học Sài Sơn A Nguyễn Quang Thắng cho biết: Trường có 30 lớp thì phân chia 2 ca (ca sáng 15 lớp và ca chiều 15 lớp); giữa các lớp học có một phòng trống để đảm bảo giãn cách. Khi đến trường, học sinh được hướng dẫn đi theo 2 khu cầu thang riêng biệt.

Qua thống kê trong buổi sáng 10/2, trường Tiểu học Sài Sơn A có 521/561 học sinh đi học (chiếm 93%). Với những học sinh không đến trường học trực tiếp, trong 1-2 tuần đầu tiên, nhà trường sẽ gom mỗi khối 1 lớp học trực tuyến và phân công giáo viên dạy các em để đảm bảo kiểm soát nền nếp và hệ thống đầy đủ được kiến thức cho các em, tránh tình trạng học sinh bỏ bài, không học.

Thầy Nguyễn Quang Thắng cũng nêu thực trạng rất khó khăn khi dạy trực tiếp, đó là tình hình dịch bệnh Covid- 19 tại địa bàn xã diễn biến phức tạp với trên 300 ca F0; do đó phát sinh 2 vấn đề: Gia đình giấu bệnh vẫn cho con đi học hoặc quá lo lắng vì dịch mà cho con ở nhà. Để ứng phó, nhà trường đã làm công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh trung thực trong khai báo y tế, đo thân nhiệt hàng sáng cho con; nếu phát hiện bất thường phải báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm để có bước xử lý phù hợp, kịp thời.

Học sinh có ý thức tốt trong chấp hành quy định phòng dịch, đeo khẩu trang đầy đủ
Học sinh có ý thức tốt trong chấp hành quy định phòng dịch, đeo khẩu trang đầy đủ

“Khảo sát ý kiến của các nhà trường, giáo viên và phụ huynh cho thấy, tuy còn nhiều lo lắng về dịch bệnh nhưng hầu hết phụ huynh và giáo viên đều nhất trí, đồng lòng cho học sinh đến trường cũng như quyết tâm dạy tốt, học tốt và cố gắng đảm bảo an toàn phòng dịch”- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quốc Oai Nguyễn Khắc Thắng cho hay.

Trực tiếp vào một số lớp tại 3 trường trên để kiểm tra, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến ghi nhận, đánh giá cao công tác tổ chức dạy học trực tiếp của các nhà trường từ khâu vệ sinh, khử khuẩn, phân làn đến kế hoạch dạy học khoa học, bài bản của các trường; thầy cô giáo nhiệt tình, chủ động; học sinh có ý thức tốt trong công tác phòng dịch (100% đeo khẩu trang, mang bình nước uống cá nhân), cầu thị và hào hứng học trực tiếp.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến, đoàn công tác Sở GD&ĐT Hà Nội cùng UBND huyện Quốc Oai kiểm tra công tác dạy học tại một số trường học thuộc huyện Quốc Oai
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến, đoàn công tác Sở GD&ĐT Hà Nội cùng UBND huyện Quốc Oai kiểm tra công tác dạy học tại một số trường học thuộc huyện Quốc Oai

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh, việc tổ chức cho học sinh đến trường là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, của ngành Giáo dục, các nhà trường, phụ huynh và toàn xã hội; vì vậy mỗi học sinh cần nâng cao trách nhiệm, có ý thức phòng dịch, góp phần đảm bảo an toàn cho bản thân, bạn bè, gia đình và luôn tự giác học tập tốt để vững vàng trong các kỳ thi phía trước.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cũng gợi ý với các nhà trường cố gắng bố trí ít nhất mỗi khối có một phòng học kết nối thiết bị trực tuyến để có thể dạy song song trực tuyến/trực tiếp (theo hướng dẫn của Phòng) nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh còn có thể phức tạp, kéo dài; đầu tư, bổ sung trang thiết bị còn thiếu ở phòng cách ly; phòng y tế, đặc biệt là kit test Covid- 19; tiếp tục tuyên truyền để phụ huynh trong việc phối hợp, hỗ trợ, đồng hành với học sinh; tăng cường công tác phát hiện, xử lý tình huống khi trường học có F0 theo quy định mới của ngành y tế….