KTĐT - Sáng nay, vừa mở email, thứ đập ngay vào mắt tôi là lá thư với dòng subject: “Mail từ Fukushima – Câu chuyện cảm động từ nước Nhật”. Đó là một lá thư được forward cho nhiều người, gửi từ hòm thư của anh Hà Minh Thành – một người Việt Nam đang ở Nhật viết những dòng tâm sự đầy cảm xúc gửi cho một người anh em ở Hà Nội.
“Mail từ Fukushima – Câu chuyện cảm động từ nước Nhật" - bằng tất cả sự cảm thông, kính trọng và khâm phục với nhân dân Nhật Bản, chúng tôi xin trích lược một phần của bức thư khá dài này:
"Mấy ngày nay mọi sự đều quay cuồng lên cả. Mở mắt cũng thấy xác chết, nhắm mắt cũng thấy xác chết. Mỗi thằng tụi em mỗi đứa phải trực 20h/một ngày. Ước gì thời gian dài 48 tiếng một ngày để mà còn đi tìm cứu người. Điện nước không, thực phẩm gần như số không? Di tản dân chưa xong thì lại có lệnh đưa dân đi di tản tiếp.
Em đang ở Fukushima, cách nhà máy điện Fukushima 1 khoảng cách 25km, có rất nhiều chuyện có thể viết nên thành sách về tình người trong hoạn nạn”.
Và để minh họa cho “cuốn sách về tình người trong hoạn nạn” ấy, anh Thành cũng đã kể trong thư câu chuyện về một cậu bé 9 tuổi, cảm động khiến anh cũng phải trào lệ.
“Tối hôm qua, em được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng em chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, em sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn, nên mới lại hỏi thăm.
Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường. Từ ban công lầu 3 của trường, nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói, nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp.
Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe em hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh em mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của em bị rơi ra ngoài, em nhặt lên đưa cho nó và nói: "Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói".
Thằng bé nhận túi lương khô của em, khom người cảm ơn. Em tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.
Ngạc nhiên vô cùng , em hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".
Em nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy em một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh”.
Đọc xong lá thư này mà tôi thấy vừa cảm phục, vừa xấu hổ. Cảm phục vì sự dũng cảm, can trường, ý thức kỷ luật, tấm lòng nhân ái lớn lao ẩn khuất trong cơ thể nhỏ bé, gầy gò, đang run lên vì đói, vì rét của cậu bé 9 tuổi. Xấu hổ vì bản thân đã là một người trưởng thành, mà sao có lúc chỉ đứt tay thôi cũng đủ… khóc nhè.
Cảm ơn cậu bé, cảm ơn nhân dân Nhật Bản đã dạy chúng tôi những bài học đường đời ý nghĩa. Chúng tôi tin rằng, sau động đất, sau sóng thần, sau tất cả những gì tồi tệ đã xảy ra, nước Nhật sẽ hồi sinh mạnh mẽ. Niềm tin ấy hoàn toàn cơ sở, bởi lẽ, nước Nhật có những công dân bản lĩnh, nghị lực đến vậy!.