Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đồng minh thân cận nhất của Nga theo đuổi kế hoạch gia nhập BRICS

Kinhtedothi - Belarus khẳng định sẽ tiếp tục đóng góp vào phong trào thanh niên của khối BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới), vì giới trẻ là một trong những ưu tiên phát triển quốc gia hàng đầu của nước này.

“Chính quyền Minsk đang nỗ lực hướng tới việc trở thành thành viên chính thức của BRICS,” Ngoại trưởng Belarus Maxim Ryzhenkov thông báo hôm 7/7 sau khi vừa tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Rio de Janeiro (Brazil).

Ngoại trưởng Belarus Maxim Ryzhenkov. Ảnh: Tass

Belarus, nước đồng minh thân cận nhất của Nga, đã chính thức trở thành quốc gia đối tác của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) vào tháng 1 năm nay.

Ngoại trưởng Ryzhenkov bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hỗ trợ của các nước thành viên BRICS trong việc giúp Belarus trở thành quốc gia đối tác của nhóm. Đồng thời, nhà ngoại giao Belarus khẳng định rằng nước này đặt mục tiêu trở thành thành viên chính thức của BRICS.

Ông Ryzhenkov nhấn mạnh, Belarus sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu này trong thời gian “càng sớm càng tốt”.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Ryzhenkov, chính quyền Minsk từ lâu đã tham gia vào các sự kiện nghị viện của BRICS. "Năm nay cũng không phải là trường hợp ngoại lệ khi đại diện của Quốc hội Belarus đã tham gia Diễn đàn Nghị viện BRICS lần thứ 11 tại Brasilian Brazil”, người đứng đầu ngành ngoại giao Belarus cho hay.

Ngoại trưởng Ryzhenkov cũng nhấn mạnh sự quan tâm đến các hoạt động thanh niên của BRICS, vì theo ông, đầu tư cho giới trẻ là một trong những ưu tiên phát triển quốc gia hàng đầu của Belarus.

Ông khẳng định Belarus sẽ tiếp tục đóng góp vào phong trào thanh niên BRICS, nội dung này cũng đã được phái đoàn Belarus tái khẳng định tại Hội nghị Thanh niên BRICS lần thứ 11 vừa diễn ra tại Brazil.

Về các ưu tiên của Belarus trong BRICS, ông Ryzhenkov cho biết, chính quyền Minsk mong muốn củng cố hợp tác với các nước BRICS về chính trị và an ninh, dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo quyền phát triển của mỗi quốc gia mà không cần đối đầu.

"Đây là điều kiện cần thiết để xây dựng một hệ thống quan hệ quốc tế công bằng và đa cực. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ vai trò chủ tịch của Brazil và chia sẻ quan điểm của nước này về sự cần thiết phải bảo vệ đa phương trong quan hệ quốc tế - cách duy nhất để bảo vệ trật tự quốc tế trong bối cảnh phân cực gia tăng và mối đe dọa phân mảnh toàn cầu" ông Ryzhenkov nhấn mạnh.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov ngày 7/7 đã bác bỏ ý kiến cho rằng nhóm BRICS sẽ yếu đi khi kết nạp thêm thành viên, đồng thời tuyên bố nhóm sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

"Chắc chắn là họ [các phương tiện truyền thông] đang phản ánh những lo ngại của chính mình sau khi chứng kiến sự mở rộng của NATO", Ngoại trưởng Lavrov nói, khi bình luận về các báo cáo của cơ quan truyền thông phương Tây cho rằng việc mở rộng BRICS đang làm suy yếu sự đoàn kết của nhóm.

"Tôi không thấy có bất kỳ rủi ro nào về việc chúng ta đang thiếu sự thống nhất trong hành động sau khi BRICS được mở rộng", Bộ trưởng Ngoại giao Nga lưu ý thêm.

Ông Lavrov khẳng định rằng BRICS luôn dựa vào các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và đồng thuận, phản ánh sự cân bằng lợi ích của các quốc gia thành viên mà không bị chi phối bởi bất kỳ nước nào. "Tôi phản đối những đánh giá cho rằng BRICS đang rời xa mục tiêu ban đầu. Trái lại, tiềm năng của BRICS mới chỉ bắt đầu được khai thác", Ngoại trưởng Nga cho hay.

Trong những năm gần đây, các nước BRICS đã nỗ lực mở rộng vai trò của mình trong ngoại giao quốc tế. Hồi năm 2024, Trung Quốc và Brazil đã đề xuất kế hoạch hòa bình để giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine, và kế hoạch này nhận được sự ủng hộ từ các thành viên BRICS khác, bao gồm Nam Phi. Chính quyền Pretoria cũng đã lên tiếng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza và ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm buộc các bên vi phạm luật nhân đạo phải chịu trách nhiệm.

BRICS hiện chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.

Nhóm được thành lập năm 2009 với 4 thành viên ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc. Nam Phi gia nhập BRICS vào năm 2011. Đến đầu năm 2024, BRICS đã kết nạp thêm Iran, Ai Cập, Ethiopia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Indonesia.

Dấu ấn Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng 2025

Dấu ấn Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng 2025

Ba đề xuất của Việt Nam tại Phiên thảo luận cấp cao BRICS mở rộng

Ba đề xuất của Việt Nam tại Phiên thảo luận cấp cao BRICS mở rộng

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ