Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hơn 200 trẻ mẫu giáo tại Trung Quốc ngộ độc chì từ thức ăn ở trường

Kinhtedothi - Một vụ ngộ độc thực phẩm gây chấn động vừa xảy ra tại thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc trong ngày 8/7, khi hơn 200 trẻ mẫu giáo bị phát hiện có nồng độ chì trong máu cao bất thường sau khi ăn thức ăn từ trường.

Theo kết quả điều tra của chính quyền địa phương, trong số 251 trẻ tại Trường Mẫu giáo Bồi Tâm, 233 em có nồng độ chì vượt ngưỡng an toàn, chỉ 18 trường hợp nằm trong giới hạn bình thường.

Hai mẫu thức ăn gồm bánh hồng táo ba màu và xúc xích ngô được xét nghiệm chứa hàm lượng chì lên tới 1.052 mg/kg và 1.340 mg/kg, cao hơn hàng nghìn lần so với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Trung Quốc là 0,5 mg/kg.

Ngôi trường nơi hơn 200 trẻ mẫu giáo bị phát hiện có nồng độ chì trong máu cao bất thường sau khi ăn thức ăn từ Trường Mẫu giáo Bồi Tâm, thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Cơ quan chức năng đã bắt giữ 8 người liên quan, bao gồm hiệu trưởng họ Chu, một nhà đầu tư địa phương tên Lý và 6 nhân viên nhà bếp, với cáo buộc "sản xuất thực phẩm độc hại". Hai nghi phạm khác bị quản thúc tại nhà chờ xét xử.

Theo lời khai, nhân viên căng tin đã mua sơn chứa chì trực tuyến với sự đồng ý của hiệu trưởng và nhà đầu tư, sau đó pha loãng để nhuộm màu thức ăn nhằm thu hút phụ huynh và tăng lợi nhuận.

Nhiều phụ huynh bày tỏ nghi ngờ về tính minh bạch của kết quả xét nghiệm do nhà trường cung cấp, khi một số trẻ có triệu chứng như rụng tóc, răng xỉn màu hay hôi miệng từ năm 2024 nhưng không được phát hiện sớm. Một số gia đình tự đưa con đến Bệnh viện Trung ương Tây An kiểm tra và phát hiện nồng độ chì cao hơn nhiều so với báo cáo địa phương, có trường hợp vượt 450 mcg/L - ngưỡng ngộ độc nặng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế Trung Quốc.

Giáo sư Nghiêm Sùng Hoài, chuyên gia về ngộ độc chì ở trẻ em tại Bệnh viện Tân Hoa, cho biết nồng độ chì trong máu trẻ mẫu giáo không nên vượt quá 20 mcg/L. Ông nhấn mạnh chì có thể gây tổn thương thần kinh không hồi phục, ảnh hưởng đến chỉ số IQ và khả năng nhận thức dù đã được điều trị.

ĐỌC NGAY: Trung Quốc hình thành "làng coder" giữa cơn sốt AI

Vụ việc làm dấy lên lo ngại về an toàn thực phẩm tại các trường tư thục Trung Quốc, nơi công tác vệ sinh an toàn thực phẩm bị xem là còn lỏng lẻo.

Vương Tiểu Quyên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thiên Thủy, thừa nhận sự cố "phơi bày yếu kém trong quản lý và đào tạo", và cam kết thanh tra toàn diện để ngăn chặn tái diễn các vụ việc tương tự. Trong khi đó, hàng trăm trẻ đang được điều trị tại bệnh viện với chi phí do chính quyền chi trả.

Đây không phải lần đầu Trung Quốc đối mặt với bê bối thực phẩm nghiêm trọng. Năm 2008, sữa nhiễm melamine khiến 300.000 trẻ ngộ độc, dẫn đến án tử hình cho những kẻ chủ mưu. Bên cạnh đó, dư luận Trung Quốc tiếp tục đặt câu hỏi về động cơ sử dụng sơn độc hại thay cho phẩm màu thực phẩm, khi giá cả chênh lệch không đáng kể. 

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ