Ngay từ khi còn là Tổ trưởng tổ Nghiên cứu về Hoàng Hoa Thám tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Bắc (cũ) những năm 1970 đến khi trở thành nghiên cứu viên cao cấp của Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ông vẫn luôn tìm tòi, nghiên cứu về nhân vật Đề Thám. Và chuyên khảo "Hoàng Hoa Thám (1836 - 1913)" dày 750 trang vừa được NXB Tri Thức phát hành là thành quả sưu tầm, nghiên cứu suốt 40 năm của TS Khổng Đức Thiêm.
Bên cạnh những thông tin kế thừa, cuốn sách công bố nhiều nghiên cứu mới, làm sáng tỏ nhiều vấn đề như khẳng định họ Đoàn là họ gốc của Hoàng Hoa Thám (trong khi nhiều nguồn vẫn cho rằng Hoàng Hoa Thám tên thật là Trương Văn Thám), khẳng định Dị Chế (Hưng Yên) là quê hương của ông, tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Đoàn Danh Lại (tức Trương Văn Thận) - thân phụ của Hoàng Hoa Thám… Một nghiên cứu quan trọng được công bố là năm sinh, năm mất của Đề Thám. Trong khi nhiều sách sử ghi rằng Đề Thám sinh năm 1856 hoặc 1858, thì Khổng Đức Thiêm, bằng nhiều nguồn tư liệu, nghiên cứu khẳng định người lãnh đạo khởi nghĩa Yên Thế sinh năm 1836. Hiện vẫn còn nhiều thông tin khác nhau về cái chết của Đề Thám, có sách cho rằng Đề Thám bị nhà cầm quyền Pháp xử tử, cho bêu đầu vào năm 1913. Có ý kiến cho rằng ông chạy trốn, sống ẩn dật trong dân chúng và mất vì bệnh tật. Trong chương chín - Những trang cuối về người anh hùng, TS Khổng Đức Thiêm cho rằng Đề Thám bị xử tử ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Sửu (tức 10/2/1913). Tuy nhiên, sau khi chết, người dân địa phương đã tráo đổi thủ cấp để có thể đưa toàn vẹn thi thể Đề Thám đi chôn cất ở cánh đồng Mả Voi làng Dị Chế quê hương.
So với các công trình thường nghiên cứu về Hoàng Hoa Thám khi tham gia khởi nghĩa, cuốn sách của Khổng Đức Thiêm đưa ra một lượng lớn thông tin về Đề Thám từ năm 1854 tới 1885 (tức là khi 18 tới 29 tuổi). Theo GS Phan Huy Lê: "Sách chuyên khảo với nội dung đã được hội đồng khoa học nghiệm thu đánh giá là tập đại thành về người anh hùng Hoàng Hoa Thám. Đây là sự tổng kết, kế thừa toàn bộ thành tựu nghiên cứu lịch sử từ trước tới nay về một vĩ nhân không chỉ đóng vai trò quan trọng về thời gian lịch sử, mà còn là gạch nối quan trọng giữa hai khuynh hướng cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến (Phong trào Cần Vương) và theo hệ tư tưởng tư sản (Phong trào Duy Tân)".Nhân dịp ra mắt sách, buổi tọa đàm về Hoàng Hoa Thám sẽ diễn ra lúc 14 giờ ngày 11/2 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) với sự tham gia của tác giả Khổng Đức Thiêm và nhà sử học Dương Trung Quốc.