Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Câu chuyện “đến hẹn lại lên”

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai ngày nữa là đến Rằm Trung thu. Hai ngày cuối tuần này chắc sẽ là hai ngày chợ đồ chơi Trung thu phố Hàng Mã đông vui nhất.

Nhiều gia đình, nhóm bạn đã lên kế hoạch cho con trẻ đi chơi chợ, ngắm và mua đồ chơi Trung Thu. Nhưng trong dư luận vẫn luẩn quẩn một dấu hỏi tựa như câu chuyện “đến hẹn lại lên”.
 
Lại như mọi năm, những ngày này, dư luận dành sự quan tâm đến cụm từ “truyền thống” khi nói về đồ chơi, bánh Trung thu, nhất là với đồ chơi dân gian. Đây là câu chuyện được bàn thảo đã nhiều năm, bởi nói gì thì nói, Tết Trung thu ở Việt Nam vẫn của trẻ thơ. Mà với con trẻ, chơi bao giờ cũng thích hơn ăn, nhất là khi điều kiện vật chất đã được cải thiện đáng kể.

Từ nhiều năm nay cứ đến hẹn lại lên, Rằm Tháng Tám là dịp rộ lên “cuộc chiến” giữa đồ chơi Trung thu truyền thống và đồ chơi nhập ngoại, chủ yếu là đồ chơi Trung Quốc. Trong “cuộc chiến” này, tương quan lực lượng rất dễ nhận biết. Đồ chơi Trung thu truyền thống mang tính nhân văn cao, phù hợp với những tiêu chí văn hóa, giá trị truyền thống của người Việt; giá cả lại vừa với túi tiền của người dân… Đồ chơi Trung Quốc lại có thế mạnh về mẫu mã, giá cả, sử dụng tiện lợi. Đó phải chăng là lý do khiến “cuộc chiến” cứ giằng dai, không dứt?

Tuy nhiên, có một điều xem ra có thể khẳng định, đó là xét về độ an toàn với con trẻ, đồ chơi Trung thu truyền thống hơn hẳn đồ chơi nhập từ Trung Quốc, đặc biệt là đồ chơi giá rẻ đa phần không rõ nguồn gốc. Không rõ nguồn gốc, cũng có nghĩa là không có gì bảo đảm cho chất lượng, trong đó có tính an toàn của loại đồ chơi này. Trong khi đó, tiêu chí quan trọng trước hết đối với đồ chơi là phải an toàn, không độc hại.

Đồ chơi Trung Quốc có mẫu mã đa dạng, nhiều màu sắc, nhiều loại còn phát ra âm thanh, ánh sáng sống động, có sức hút con trẻ. Đó rõ ràng là thế mạnh, nhưng cũng chính từ đó, các chuyên gia y tế đã cảnh báo những hệ lụy khôn lường: Âm thanh, ánh sáng phát ra từ loại đồ chơi này ảnh hưởng xấu tới thị giác và thính giác của trẻ; nhất là ánh sáng thay đổi liên tục, không kiểm soát được mức độ. Điều đáng ngại là nguy cơ trẻ bị nhiễm độc khi tiếp xúc với các loại đồ chơi bằng nhựa, bởi để có giá thành rẻ, các loại đồ chơi này thường được sản xuất từ nhựa tái sinh. Mà như một chuyên gia trong ngành nhựa đánh giá: Đã gọi là nhựa tái chế, thì không biết tái chế từ cái gì, chẳng hạn loại nhựa có mầu xanh, đỏ… hoàn toàn có thể được tái chế từ vỏ hộp ắc quy cũ độc hại.Vì vậy, đã là không rõ nguồn gốc thì chắc chắn không đảm bảo an toàn nếu cho trẻ chơi.

Như vậy, nếu xem xét dưới góc độ an toàn cho trẻ, thì đồ chơi Trung thu nhập ngọai trôi nổi trên thị trường “xứng đáng” bị loại bỏ. Vậy thì tại sao nó vẫn tồn tại, lại có phần lấn át đồ chơi Trung thu dân gian?

Xem ra trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý. Có thể do chưa nhận thức một cách đầy đủ những nguy hại đối với sức khỏe của trẻ, mà biện pháp ngăn chặn quyết liệt những sản phẩm này xâm nhập vào thị trường Việt Nam chưa được áp dụng. Cũng có thể do quan niệm đó là những mặt hàng rẻ tiền, lại là đồ chơi cho con trẻ nên chẳng mấy quan tâm. Nếu đúng như vậy, đây rõ ràng là một quan niệm sai lầm. Bởi nếu nhận thức đúng tác hại của nó, ít nhất các cơ quan chức năng đã có biện pháp ngăn chặn như đã và đang ngăn chặn quyết liệt hành vi buôn bán, tàng trữ các loại hàng cấm, tỉ như pháo nổ. Liệu có thể coi hành vi nhập lậu, buôn bán đồ chơi không có xuất xứ, gây độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của nhiều thế hệ trẻ thơ nguy hại ngang với vận chuyển hàng lậu, pháo lậu? Cũng cần nói thêm rằng, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời đã manh nha xuất hiện những cơ sở sản xuất đồ chơi trong nước có ý tưởng “cải tiến” mẫu mã bằng cách học theo các nhà sản xuất nước ngoài, chẳng hạn lắp thêm đèn led nhấp nháy vào đầu sư tử!

Ở một góc độ khác, có thể nói ngay chính các bậc làm cha mẹ cũng có trách nhiệm trước tình trạng này. Do nhiều nguyên nhân, trong đó sự cảnh báo về mối nguy hại đến sức khỏe con trẻ chưa đủ mạnh, nhiều phụ huynh vẫn lựa chọn loại đồ chơi nhập ngoại không rõ nguồn gốc cho con mình.

Mong rằng với nhận thức đúng và các biện pháp thích hợp từ phía các cơ quan chức năng sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các loại đồ chơi Trung thu, để trẻ em có thể đón Rằm Tháng Tám với những món đồ chơi bổ ích, phù hợp với tuổi và đặc biệt là an toàn.