Câu chuyện khối ngoại bán ròng đã không còn gây nhiều áp lực lên thị trường

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, khối ngoại đã bán ròng khoảng hơn 35.000 tỉ đồng trên toàn thị trường. Khả năng những con số trên sẽ còn tăng cao kỷ lục khi mà khối ngoại vẫn chưa có tín hiệu dừng xả hàng, triền miên bán ra hàng nghìn tỉ đồng mỗi phiên.
Theo đánh giá chung của các chuyên gia, sự chênh lệch môi trường lãi suất, chính sách tiền tệ, tỉ giá cao và những biến động chính trị đã tác động đáng kể tới hành động của nhà đầu tư ngoại. Điều này gây ra hoạt động tái cấu trúc dòng vốn trên toàn cầu, những thị trường tăng trưởng yếu hơn, đồng tiền mất giá hay những thị trường cận biên sẽ bị rút vốn mạnh để phân bổ vào những nơi thị trường hiệu quả hơn. Không chỉ Việt Nam, mà các thị trường chứng khoán trong khu vực như Thái Lan và Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt.
Trong bài phân tích mới đây, Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) nêu, một trong những nguyên nhân giải thích cho đà bán ròng này đến từ mặt bằng lãi suất của Việt Nam thấp hơn so với Mỹ, dẫn tới áp lực khá lớn về tỉ giá mà thị trường đón nhận trong suốt thời gian qua.
Nếu kể đến những quốc gia đầu tư chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể kể tới như Mỹ, EU, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc…, Việt Nam là một trong những quốc gia nới lỏng chính sách tiền tệ đầu tiên trong nhóm này. Khi đồng tiền tại quốc gia mà khối ngoại tham gia đầu tư có xu hướng mất giá, cộng kèm với nền lãi suất ở quốc gia sở tại đang có xu hướng giảm để nới lỏng, việc bán và rút đi của các khối ngoại là điều dễ hiểu, các chuyên gia MAS nêu quan điểm.
TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư DG Capital cho rằng, xu hướng của dòng vốn ngoại trên thị trường vẫn khó đoán định. Khối ngoại có thể sẽ ngưng đà bán khiến giá trị bán ròng hạ nhiệt trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc khối ngoại mua ròng trở lại hoặc xu hướng mua ròng mạnh mẽ hơn vẫn là ẩn số nếu Fed vẫn duy trì mặt bằng lãi suất như hiện nay. Xu hướng bán ròng của khối ngoại sẽ sớm kết thúc trong thời gian ngắn sắp tới, khi gần đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều động thái để ổn định tỉ giá và nâng nền lãi suất của Việt Nam lên.
Điểm đáng chú ý đó là hiện nay giao dịch bán ròng của khối ngoại chỉ tác động tâm lý và không ảnh hưởng lớn tới diễn biến của thị trường trong nước. Dòng tiền khối nội vẫn sẽ là điểm tựa và là động lực hỗ trợ cho xu hướng trung hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đóng góp quan trọng vào đà tăng của thị trường là các nhà đầu tư trong nước. Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán VSD cho biết, trong 4 tháng đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng hơn 0,5 triệu tài khoản. Đến cuối tháng 4.2024, Việt Nam có hơn 7,7 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7,7% dân số.
Với số lượng tài khoản mở mới không ngừng tăng, lượng tiền của khối nội đổ vào thị trường đã “cân” được lượng bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại trong thời gian qua.
Cơ hội nào chờ nhà đầu tư chứng khoán đến cuối năm?
Kinhtedothi - Sau tháng 4 đầy sóng gió, thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 5 đi qua gần 2/3 thời gian với nhiều diễn biến tích cực. Nhiều phiên, VN-Index đã phục hồi quanh mốc 1.275 điểm.

Khối ngoại xả 1,5 nghìn tỷ đồng, chứng khoán quay đầu giảm gần 20 điểm
Kinhtedothi - Sau khi mua ròng nhẹ trong phiên hôm qua, sang phiên hôm nay 24/5, khối ngoại lại tiếp tục xả ròng 1,5 nghìn tỷ đồng khiến V-Index "cắm đầu" giảm gần 20 điểm.

Chứng khoán tuần tới: Kỳ vọng về lại vùng giá cao nhất
Theo các nhà phân tích SHS, sau 4 tuần tăng điểm liên tiếp, tiệm cận vùng giá 1.282 - 1.287 điểm, tương ứng với vùng điểm số trước khi giảm mạnh cũng như vùng giá cao nhất tháng 09/2022, VN-Index đã có tuần giao dịch chịu áp lực điều chỉnh kiểm tra lại vùng giá 1.250 điểm.