Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Câu chuyện vỉa hè

Bảo Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia cho rằng, để có văn minh đô thị, nhất thiết phải có văn minh vỉa hè. Nói vậy xem ra có vẻ cực đoan, bởi lâu nay, nói đến văn minh đô thị người ta hay quan tâm nhiều đến các công trình kiến trúc, nhà mặt phố, cây xanh, ghế đá, vườn hoa… chứ mấy khi nhắc tới cái vỉa hè. Nhưng ngẫm kỹ thì văn minh đô thị không thể thiếu văn minh vỉa hè.

Nói vậy vì kiến trúc nhà cửa, trồng cây xanh, bố trí hàng ghế nghỉ chân, tổ chức vườn hoa, tiểu cảnh trên các tuyến phố có thể thực hiện được ngay bằng những mệnh lệnh hành chính. Còn để có văn minh vỉa hè, đường phố thì ngoài ý chí của lãnh đạo nhất thiết phải có cả ý thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội và của chính cư dân đô thị, nhất là cán bộ cơ sở.
Một tuyến phố, khu vực có được công nhận văn minh hay không, trước hết phải có văn minh vỉa hè. Ấy là không có cảnh lấn chiếm để buôn bán, căng dây để trông xe trên hè đẩy người đi bộ xuống lòng đường; ấy là vỉa hè sạch, không có rác thải. Hay như mới đây, người dân Hà Nội và cả nước phải chứng kiến một hình ảnh không đẹp đó là hàng trăm người dắt xe máy đi ngược chiều trên hè đường Lê Văn Lương chỉ vì để tránh đường đông… Những vấn đề này tưởng cũ, nghe quen mà hóa ra vẫn mới, vẫn lạ ở các tuyến phố, kể cả phố trung tâm của Thủ đô.

Đã có thời điểm các quận, các phường phát động phong trào xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, nhưng vì là phong trào nên chẳng duy trì được lâu. Nhiều tuyến phố sau các đợt ra quân của lực lượng chức năng, cảnh cũ lại tái diễn, thậm chí còn tệ hơn.

Nhiều năm, Hà Nội đã lấy chủ đề “Năm trật tự và văn minh đô thị”, thậm chí xây dựng các tuyến phố kiểu mẫu với các tiêu chí cụ thể cho từng địa bàn, khu vực. Tuy nhiên, từ kế hoạch đến hiệu quả thực tế vẫn là bài toán nan giải. Vì để chuyển biến, thì vấn đề cốt tử vẫn là ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở và cả người dân Hà Nội. Thứ nữa là chủ trương có đúng, đường lối có hay, cách làm có sáng tạo mà cán bộ không chuyển về nhận thức, người dân không tự giác thì ngay việc nhỏ như trật tự vỉa hè cũng khó thành chứ nói gì đến chuyện lớn là văn minh đô thị.

Song để tạo sự chuyển biến thì cùng với tuyên truyền, nhắc nhở cần có những biện pháp mạnh của chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng. Chỉ khi đó vỉa hè của Hà Nội mới sạch đẹp và quan trọng là mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại mới thành hiện thực.