Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cầu đang lớn hơn cung

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã có nhiều cải thiện rõ rệt về chất lượng song nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam vẫn bị "chê" là chưa đạt yêu cầu tuyển dụng của DN.

Đây là đánh giá của các DN Nhật Bản tại Hội nghị quốc tế Gia công xuất khẩu phần mềm Việt Nam trong khuôn khổ Tuần CNTT Nhật Bản 2013 vừa kết thúc.

 

Ông Michio Hayashi - Chủ tịch Công ty Oartech cho biết, kỹ sư người Nhật không giỏi tiếng Anh nên khi đặt hàng gia công phần mềm ở các nước như: Việt Nam, Campuchia… họ chỉ viết được yêu cầu công việc bằng tiếng Nhật. Trong khi đó, tại Việt Nam, kỹ sư CNTT biết tiếng Anh thì nhiều nhưng biết tiếng Nhật lại rất ít. Đây chính là rào cản làm ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình hợp tác giữa đối tác hai bên.

 
Cầu đang lớn hơn cung - Ảnh 1
Chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn nhân viên Việt Nam làm việc tại Công ty ToHo Việt Nam, khu Công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Hải Linh
 

Tại Việt Nam, số trường đại học đào tạo về tiếng Nhật không nhiều, nhất là chuyên ngành CNTT. Ngay ở Đại học FPT, với yêu cầu tiếng Nhật là ngoại ngữ thứ hai nhưng mỗi năm chỉ cung cấp khoảng 500 - 600 người. TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Đại học FPT thừa nhận, con số này quá nhỏ so với nhu cầu. Riêng Công ty FPT Software đã cần cả 1.000 nhân viên phục vụ cho thị trường Nhật Bản.

 

Nhu cầu nhân lực của đối tác Nhật Bản khá đa dạng, từ kỹ sư phần mềm, kỹ sư hệ thống nhúng, mobile… đến nhân lực làm thiết kế, phân tích hệ thống, quản trị dự án… Trong đó, nhu cầu nhân lực quản trị dự án được đặt lên hàng đầu, nhân lực của Việt Nam được đánh giá là vững về chuyên môn nhưng hạn chế về khả năng quản lý, quản trị nhân sự vì đa số đi lên từ lập trình viên. Ông Ngô Văn Toàn - Phó Chủ tịch Công ty Global CyberSoft cho rằng, nhiều người làm công tác quản lý dự án (project manager - PM) tại Việt Nam chỉ tương đương cấp độ quản lý nhóm (team leader) chứ chưa đạt cấp độ Giám đốc dự án hoặc quản lý nhiều dự án (account mangager). "Với đội ngũ nhân lực như vậy sẽ rất khó thuyết phục những đối tác khó tính như Nhật Bản" - ông Toàn chia sẻ.

 

Để giải quyết nhu cầu nhân lực trước mắt, nhiều công ty đã chủ động mở các chương trình đào tạo riêng. Đại diện Công ty Global Cysoft cho biết đã thành lập trung tâm huấn luyện dành cho thực tập sinh và đào tạo khoảng 3 - 4 tháng để có thể tham gia vào dự án.

 

Với nhiều nỗ lực từ phía nhà trường và DN, hy vọng trong vài năm tới nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam sẽ chinh phục được các đối tác khó tính Nhật Bản không chỉ bằng quy mô số lượng mà bằng cả chất lượng.